Định hướng mới trong công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi

(NTO) Miền núi tỉnh ta có diện tích tự nhiên 258.400 ha (chiếm 81% diện tích toàn tỉnh), là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái và có tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội. Trong 37 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có 27 xã là vùng đồng bào dân tộc miền núi thuộc 6 huyện, với dân số 167.085 người (chiếm 28% dân số trong tỉnh), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 78.738 người, đông nhất là dân tộc Raglai. Đây cũng là vùng đất có truyền thống cách mạng với những địa danh đi vào lịch sử dân tộc, địa phương; nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đồng bào các dân tộc miền núi, đặc biệt là dân tộc Raglai còn lưu giữ những nét văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý báu.

 
Thanh niên tình nguyện làm cỏ bắp giúp gia đình ông Chamaléa Nhi ở xã Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: V.M

Những năm qua, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc miền núi. Trong giai đoạn 2011-2015, từ các Chương trình 135, 134, Chương trình 30a, định canh định cư và nhiều nguồn lực khác, đã huy động trên 5.300 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo vùng miền núi; đã xây dựng mới hơn 4.500 căn nhà cho các hộ nghèo và gia đình chính sách, giải quyết cơ bản việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào. Công tác dân vận cũng đã góp phần thực hiện tốt các chính sách về xóa đói, giảm nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3% (riêng huyện Bác Ái giảm 8%/năm theo chuẩn giai đoạn 2011-2015). Giáo dục miền núi được chú trọng chăm lo, đạt được những kết quả đáng kể: hệ thống trường lớp đầu tư kiên cố hóa, đội ngũ giáo viên các cấp học tăng cả về số lượng và chất lượng; công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng miền núi được quan tâm, các chính sách y tế được triển khai đầy đủ, kịp thời.

 
Nông dân xã Phước Đại (Bác Ái) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn Chương trình 30a.

Tuy nhiên, dù tập trung đổi mới phương thức hoạt động, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ và thực trạng đời sống đồng bào dân tộc miền núi, thì công tác dân vận vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể có định hướng mới để khắc phục hạn chế, bất cập, thực hiện hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi. Thuận lợi là để cụ thể hóa một bước tinh thần Nghị quyết, ngày 23-11-2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2016-2020”. Theo đề án, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phải xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền ở vùng đồng bào dân tộc miền núi thực sự trong sạch, vững mạnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nền nếp việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đồng bào để lắng nghe và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 80% đồng bào được biết và nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách dân tộc; 100% các chương trình, dự án đầu tư tại địa phương được công khai minh bạch, trong đó có ít nhất 80% người dân trong vùng dự án được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, giám sát. Phấn đấu hằng năm có ít nhất 50% tổ chức cơ sở Đảng miền núi đạt trong sạch, vững mạnh và kết nạp từ 100 - 150 đảng viên.

Đồng chí Cao Văn Hóa cho biết: “Để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TU và Đề án trên theo lộ trình và sự phân công trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn một số nội dung, yêu cầu tăng cường trách nhiệm và vai trò, vị trí của các ngành, các cấp trong công tác dân vận, nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo thời gian quy định”. Cũng theo đồng chí, điểm mới đáng quan tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết là lần đầu tiên có sự phân công cụ thể đúng người, đúng việc và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tin rằng qua việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận sẽ làm chuyển biến nhận thức, ý thức tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh.