1. Trong nước
* Ngày 5-8-1930: Tạp chí Cộng sản xuất bản số đầu tiên. Tạp chí Cộng sản là Cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm chủ bút, ra số đầu tiên với tên gọi “Tạp chí Đỏ”.
87 năm qua, Tạp chí Cộng sản luôn xứng đáng với vai trò là ngọn cờ lý luận, chính trị trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Tạp chí đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng.
Tạp chí Cộng sản đã được trao tặng Huân chương Sao vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý.
* Ngày 5-8-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng nhân dịp Đại hội Báo giới. Người viết: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, các bạn đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Thế là tốt lắm, nhưng các bạn cần phải cố gắng thêm”.
Người chỉ ra các nhiệm vụ của báo giới như: Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch; giải thích cho dân chúng hiểu rõ vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi; cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng; kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến…
Rồi Bác nhắc nhở: “Lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích. Chiến sĩ ngoài mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch. Kháng chiến nhất định thắng lợi và thành công”.
* Ngày 5-8-1964: Ngày đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Năm 1964, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ cho ngày 5-8-1964 đem máy bay đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của Hải quân nhân dân Việt Nam, mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta.
Cùng với quân và dân miền Bắc, nhất là các địa phương ven biển, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giáng trả bọn xâm lược những đòn đích đáng, góp phần bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Chiến thắng này mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
2. Thế giới
* Ngày 5-8-1802: Ngày sinh nhà toán học người Na Uy Niels Henrik Abel. Abel sinh tại Finnoy, Stavanger (Na Uy).
Ông là người đã phát hiện ra những thiếu sót trong lý luận của các bậc tiền bối và dành thời gian để chính xác hoá những phần thiếu chặt chẽ. Chính theo phương hướng đó mà ông là người đã chứng minh thành công “Định lý nhị thức tổng quát”, đồng thời phát triển, hoàn thiện các công trình toán học của Isaac Newton và Leonhard Euler.
Ông cũng là người đưa ra đề tài “Tính chất tổng quát của một lớp rất rộng các hàm siêu việt”. Đây là một công trình nghiên cứu to lớn về giải thích toán học và được đánh giá là đã nêu lên đề tài cho các thế hệ hàng trăm năm sau.
Abel mất ngày 6-4-1829, tại Froland (Na Uy).
Năm 1830, sau khi ông mất, đề tài này mới được chấp nhận và ông được Viện hàn lâm khoa học Pháp truy tặng Giải thưởng lớn về toán.
* Ngày 5-8-2011: Thành phố Reykjavik (Iceland) được tôn vinh là Thành phố Văn chương của thế giới. Nhằm thừa nhận các nỗ lực không mệt mỏi của Reykjavik trong việc duy trì, phổ biến và khuếch trương di sản văn chương phong phú của Iceland, UNESCO đã tôn vinh thành phố này là “Thành phố Văn chương” của thế giới.
UNESCO nhấn mạnh Reykjavik, rất đáng tự hào về lịch sử văn chương nổi tiếng, với di sản văn chương Trung cổ vô giá như các truyện dân gian của các dòng họ (Saga), văn thơ cổ, sách của người Iceland,...
Reykjavik đã chứng tỏ vai trò trung tâm của văn chương trong thực tiễn đô thị hiện đại, xã hội đương đại và trong cuộc sống hàng ngày của công dân thành phố...
Reykjavik là thành phố thứ 5 trên thế giới được UNESCO tôn vinh là “Thành phố Văn chương”.
Theo TTXVN