Những lời ngụy biện
Ngay sau khi sự việc được công bố, đã có một số ý kiến bóp méo sự thật để bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Lê Đình Lượng. Trang BBC tiếng Việt đã có các bài viết một chiều, đưa thông tin sai lệch, cho rằng: Lê Đình Lượng là cựu chiến binh yêu nước, đi đầu chống ngoại xâm nên bị bắt oan. Có ý kiến còn cho rằng, việc bắt Lê Đình Lượng là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự. Một tổ chức gọi là Hội Cựu tù nhân lương tâm thanh niên Công giáo còn đưa ra bản tuyên cáo bênh vực Lê Đình Lượng với những lập luận nực cười. Có người viện dẫn việc Lê Đình Lượng là một cựu chiến binh, từng chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1983 để lấp liếm đi những sai phạm. Có tờ báo hải ngoại còn đặt vấn đề: Bắt Lê Đình Lượng, Việt Nam “trấn áp tiếng nói tranh đấu”(!)
Cái gọi là Hội Cựu tù nhân lương tâm thanh niên Công giáo và một số tổ chức xã hội dân sự còn kêu gọi trả tự do cho Lê Đình Lượng; kêu gọi các tổ chức quốc tế “can thiệp” để “bảo vệ nhân quyền”…
Lê Quốc Quân, một đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước thông qua truyền thông quốc tế đã ngụy biện, bênh vực Lượng là cựu chiến binh, là người yêu nước, hoạt động ở địa phương nhưng lo lắng những vấn đề trọng đại… Thoạt nghe những lời "có cánh" đó, người ta dễ ngộ nhận và tưởng chừng việc công an bắt tạm giam Lê Đình Lượng là oan sai.
“Yêu nước” hay phá hoại đất nước?
Sự thật không phải như vậy.
Sau khi bắt khẩn cấp, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam trong thời gian 4 tháng đối với bị can Lê Đình Lượng để điều tra, làm rõ về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã ra các Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Đình Lượng theo tội danh trên.
Theo kết quả điều tra ban đầu, thời gian gần đây, Lê Đình Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Thông cáo báo chí về việc bắt Lê Đình Lượng. Nguồn: anninhthudo.vn.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, Lê Đình Lượng là đối tượng phản động thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân; là người tích cực tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân, có quan hệ mật thiết với các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài địa bàn.
Cụ thể, trong thời gian qua, Lê Đình Lượng nhiều lần kích động người dân và trực tiếp tham gia các hoạt động chống đối xảy ra trên địa bàn Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) như: Kích động tụ tập một số người mang băng rôn, khẩu hiệu có nội dung phản động, chống đối để quay phim, chụp ảnh; tổ chức hát các bài hát phản động tự "chế"... tung lên mạng; kêu gọi việc tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Lợi dụng danh nghĩa "bảo vệ môi trường", Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Thông qua facebook cá nhân “Lỗ Ngọc”, Lê Đình Lượng đã có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.
Với những thông tin trên, cũng đủ cho thấy Lượng là người “yêu nước” hay thực tế chỉ là kẻ “tiếm danh” lòng yêu nước để thực hiện những hành vi đen tối. Hành vi của Lượng không còn là hoạt động đơn lẻ, chủ quan mà có tổ chức, có bàn tay phía sau của tổ chức khủng bố Việt Tân. Cơ quan chức năng cho biết, Lượng đã tham gia lớp tập huấn của tổ chức này, sau đó về nước và thời gian qua liên tục có nhiều hoạt động lôi kéo các đối tượng khác.
Là một thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân, từng tham gia khóa tập huấn đặc biệt do Việt Tân tổ chức ở Thái Lan, Lượng còn là kẻ tích cực trong việc móc nối kết nạp các thành viên mới vào tổ chức Việt Tân như Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh (hai đối tượng này đã từng bị kết án 4 năm tù và 3 năm tù với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" tại phiên tòa ngày 8 và 9-1-2013 ở TP Vinh). Lê Đình Lượng là một mắt xích khá quan trọng trong các mối liên hệ của các đối tượng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh khác trong việc móc nối, câu kết, tổ chức các hoạt động chống đối chính quyền, biểu tình gây rối. Thời gian vừa qua, Lượng và một số kẻ cầm đầu kích động lôi kéo người dân, trực tiếp tham gia các hoạt động chống đối ở địa phương, tổ chức các đám đông mang băng rôn khẩu hiệu có nội dung xuyên tạc, phản động, tuần hành, tụ tập để quay phim, chụp ảnh đưa lên internet.
Lượng cũng chính là người cho đăng tải cái gọi là “Gia phả lệnh” của gia tộc Lê Văn ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An lên trang cá nhân của mình, vu cáo Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền sai sự thật về hoạt động tuần hành, gây rối của giáo dân tại Vinh và yêu cầu tất cả gia đình trong dòng tộc không được mở xem bất cứ chương trình nào của VTV1. Việc này đã bị chính dòng họ Lê Văn phản ứng, bất bình.
Lê Đình Lượng vốn là giáo dân của giáo xứ Vĩnh Hòa, đã từng có thời gian là bộ đội, được giáo dục và rèn luyện trong quân ngũ nhưng không gìn giữ, phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của người lính, không trở thành giáo dân kính Chúa yêu nước như các tín đồ Công giáo khác, mà lại đi theo dòng nước ngược, trở thành một trong những kẻ tích cực nhất trong các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Bắt giữ, khởi tố đúng người, đúng tội
Ngày 4-10-2016, Bộ Công an đã đưa tổ chức Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố, đồng thời tiến hành bắt giữ nhiều đối tượng là thành viên của tổ chức này bởi các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước, âm mưu đặt bom khủng bố. Mục tiêu của tổ chức Việt Tân từ trước đến nay đối với Việt Nam vẫn luôn không thay đổi, đó là âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" như sau: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”
Vì vậy, việc bắt giữ và khởi tố Lê Đình Lượng theo Điều 79, Bộ luật Hình sự là hoàn toàn chính xác và cần thiết, đúng người đúng tội, đồng thời ngăn chặn những hành vi chống phá chính quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc bắt giữ, khởi tố Lượng là có cơ sở vì đây không phải là lần đầu đối tượng này vi phạm pháp luật. Lượng là đối tượng có quá trình chống phá chế độ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian dài; dưới sự kích động, chỉ đạo của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Lê Đình Lượng đã nổi lên như cánh tay đắc lực cho kẻ xấu lợi dụng tôn giáo, tiến hành hàng loạt hoạt động kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, núp dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường biển… Từng là một người lính, lẽ ra Lê Đình Lượng cần hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, độc lập và sự ổn định chính trị. Nhưng Lượng đã chọn con đường tiếp tay cho những kẻ xấu "cõng rắn cắn gà nhà", mưu toan lật đổ chính quyền, thực hiện “cách mạng màu”.
Thông cáo báo chí của cơ quan công an cũng khẳng định rõ, việc khởi tố vụ án hình sự sẽ được hoàn tất thủ tục sau. Điều này là hoàn toàn bình thường, đúng pháp luật đối với đối tượng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, hoàn toàn không phải là “hành động bắt cóc” như một số trang mạng nêu.
Dư luận đồng tình và hoan nghênh việc các cơ quan pháp luật xử lý kiên quyết, nghiêm minh với những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để phá hoại hòa bình, ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Chỉ có xử lý nghiêm minh, không nương nhẹ mới có tác dụng giáo dục, răn đe, không để tái diễn tình trạng “nhờn luật”, lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguồn www.chinhphu.vn