Trong đó, nhiều nhất là cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 158 tỷ đồng, với 6.590 lượt hộ vay; tiếp đến là cho vay hộ cận nghèo 81 tỷ đồng, với 3.353 lượt hộ vay; cho vay ưu đãi hộ nghèo gần 70 tỷ đồng, với 2.852 lượt hộ vay; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn gần 60 tỷ đồng, với 2.225 lượt hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 22,35 tỷ đồng, với 2.993 lượt hộ vay; cho vay học sinh, sinh viên trên 19 tỷ đồng, với 81 lượt hộ vay…
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn. Ảnh: V.M
Nhờ thực hiện linh hoạt trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho vay, đến cuối tháng 6, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh đạt 1.724,814 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 1.616,029 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 29,678 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 81 tỷ đồng, tăng trên 22,5 tỷ đồng và đạt 92,2% kế hoạch. Trong số này, vốn huy động theo lãi suất thị trường trên 37,5 tỷ đồng, tăng 18,6 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 103% kế hoạch. Cụ thể, vốn huy động tại điểm giao dịch xã đạt 7,2 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm 6,3 tỷ đồng. Các đơn vị có chỉ số huy động lãi suất tăng khá, gồm: Hội sở tỉnh tăng trên 1,7 tỷ đồng, đạt 77,6%; Ninh Phước tăng gần 1,1 tỷ đồng, đạt 79,5%; Ninh Hải tăng 1,5 tỷ đồng, đạt 107%... Đối với hoạt động tiền gửi tiết kiệm của các hộ vay, đến cuối tháng 6 đạt trên 43,3 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 84,4% kế hoạch và tăng gần 4 tỷ đồng so với tháng trước.
Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, mặc dù việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách từ đầu năm đến nay đạt kết quả khá tốt, giúp cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh vẫn còn khá cao. Tính đến thời điểm 30-6, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 23,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,35%, tăng trên 2,7 tỷ đồng so với đầu năm và tăng gần 2,3 tỷ đồng so với tháng trước. Trong đó, nợ quá hạn gần 9,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,54%; nợ khoanh gần 13,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,81%, tăng gần 3,2 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 4,4 tỷ đồng so với tháng trước. Một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn tăng: Thuận Nam tăng 143 triệu đồng, Ninh Sơn tăng 86 triệu đồng, Ninh Hải tăng 26 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện phối hợp Ban đại diện Hội đồng Quản trị các cấp và các hội, đoàn thể nhận ủy thác phát huy vai trò tham mưu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nợ rủi ro theo Văn bản 71A/NHCS-QLN ngày 10-1-2017 của Tổng Giám đốc NHCSXH. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ vay trả, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn quy định.
Văn Thanh