Theo đó, huyện Bái Ái đã tập trung triển khai và đào tạo cho lao động nông thôn gồm trồng trọt (trồng lúa, bắp, trồng nấm) 981 học viên, chăn nuôi, thú y 514 học viên, xây dựng 272 học viên, tin học văn phòng 205 học viên, sửa chữa xe máy, máy nổ 140 học viên, may công nghiệp 476 học viên. Số học viên tốt nghiệp là 2.510/2.590 học viên, đạt tỷ lệ 96,9%. Nguồn kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nguồn kinh phí 30a, chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định 1956 và hỗ trợ từ các doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng.
Hầu hết số lao động qua đào tạo đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Học viên các lớp nghề xây dựng đã thành lập tổ xây dựng tham gia xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167, nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà tình nghĩa và các công trình xây dựng khác tại địa phương do huyện làm chủ đầu tư. Học viên lớp sửa chữa máy nổ đã biết tự sửa chữa máy nổ, bảo trì các loại máy móc phục vụ sản xuất cho bà con nông dân. Học viên lớp may công nghiệp sau khi tốt nghiệp được giới thiệu làm việc ổn định tại các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra còn có 50 học viên được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động tại thị trường Malaysia.
Trong năm 2011, huyện Bác Ái xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 cấp huyện làm tiền đề để xây dựng cơ cấu ngành nghề phù hợp với địa phương theo từng giai đoạn; tiếp tục đào tạo các ngành nghề hiện có và phát triển một số ngành nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn như điện dân dụng, cơ khí, làm đồ mỹ nghệ,... đồng thời gắn đào tạo với doanh nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ, hoặc tham gia làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
(Theo Cổng thông tin Điện tử Ninh Thuận)