Các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đã có những ý kiến đóng góp, phân tích làm sâu sắc thêm cho nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành.
GS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những nhiệm vụ đưa ra rất "trúng".
“Tôi không đi sâu nhận xét về những vấn đề vĩ mô…, mà xin chia sẻ quan điểm cá nhân về những vấn đề mà tôi cho là rất bức thiết. Theo đó, thứ nhất, cần hoàn thiện càng sớm càng tốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, làm cơ sở xây dựng chương trình bậc học và môn học, viết sách giáo khoa.
Ảnh minh họa.
Tiếp sau là đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp như Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT. Đây là một trong 9 nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao. Hy vọng, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, vì trên thực tế, để đào tạo lại đội ngũ giáo viên quen với cách dạy truyền thụ kiến thức thành giáo viên dạy cách rèn luyện năng lực cho học sinh là việc làm rất khó; có đội ngũ cán bộ quản lý Sở, phòng GD&ĐT quen việc quản lý nhà trường hơn quản lý nhà nước, lại còn khó hơn”, GS.TS Nguyễn Đức Chính phân tích.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đổi mới khảo thí và kiểm định chất lượng cũng rất trúng. Vấn đề không phải chỉ đổi mới khâu khảo thí mà cần đổi mới khâu đánh giá trong dạy học cho giáo viên. Giáo viên chỉ quen đánh giá kết quả học tập chứ không biết đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh theo hướng hình thành năng lực.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, về cơ bản, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện mà Bộ trưởng nêu ra trên cơ sở kế thừa, rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện để hoàn thiện, đi vào chiều sâu các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của năm học 2016-2017.
Trong đó, nội dung của từng nhiệm vụ và giải pháp của năm học 2017-2018 được Bộ trưởng định hướng khá cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, trong từng nhiệm vụ và giải pháp có phân công trách nhiệm rõ ràng nội dung nào thuộc trách nhiệm của Bộ, nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương.
Điều này giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn và nguồn lực của địa phương mình, tiêu biểu một số nội dung trọng tâm và giải pháp sau: Về rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học: Trọng tâm chỉ đạo của Bộ trưởng là khắc phục tình trạng quá tải, lớp quá đông đối với khu vực thành phố, nội đô, đây là tình hình thực tế của nhiều địa phương trong nhiều năm chưa khắc phục. Có lộ trình để sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính đối với miền núi khó khăn, gắn với tiêu chuẩn của nông thôn mới;
Đặc biệt đối với giáo dục Mầm non, việc sáp nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn, trẻ được ở gần bố mẹ chứ không dồn trường một cách cơ học. Còn việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, mua sắm thiết bị dạy học đối với cấp Tiểu học, THCS gắn với quy hoạch, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, trọng tâm là quy hoạch phải gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa sắp tới.
Về phân luồng và định hướng nghề nghiệp, được Bộ trưởng đề cập và cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, lưu ý các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, việc hướng dẫn phân luồng, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.
Do vậy, trong định hướng giải pháp Bộ trưởng có nêu cần đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng đi vào chiều sâu và tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năm học 2017-2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, nhất là tự chủ về nghiệp vụ, trong đó có tự chủ về nhân lực, tài chính. Vì vậy, một trong những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra nhằm bảo đảm để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm đó là việc rà soát, điều chỉnh những văn bản nào còn nhưng chưa hợp lý, trái quy định, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường bồi dưỡng cán bộ...
Ngày 15/7, kết luận tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện trong năm học 2017-2018 của giáo dục Mầm non và giáo dục Phổ thông.
9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đưa ra là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý Về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực; phân luồng và định hướng nghề nghiệp.
Các giải pháp gồm: Giải pháp pháp chế; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông.
Nguồn www.chinhphu.vn