Đến ngày 16/7, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm 2017.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường đại học nhóm đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa hà Nội, Đại học Luật Hà Nội,... vẫn nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15,5 điểm). Trong khi đó, các năm trước điểm chuẩn vào các trường này đều trên 20 điểm.
Cùng với đó, các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng... đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng 18 điểm nhưng mức điểm này vẫn kém xa mức điểm chuẩn hằng năm của trường từ 3-4 điểm.
Ảnh minh họa.
Như vậy, nếu thí sinh không tỉnh táo sẽ rất dễ bị “lỡ” mất nguyện vọng 1 mặc dù có số điểm khá. Cùng với đó, các trường nhóm giữa, nhóm dưới sẽ được dự báo là “chật vật” trong khâu tuyển sinh.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc các trường nhóm trên công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là làm khó thí sinh, đẩy thí sinh vào thế khó bởi điểm chuẩn trúng tuyển thật sự của các trường này luôn ở mức cao hơn điểm sàn rất nhiều.
Ông Dũng dự đoán, điểm chuẩn của các trường nhóm giữa và nhóm trên năm nay sẽ không giảm so với năm trước. “Do đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường với nhiều mức điểm khác nhau, tùy thuộc vào ngành, tuy nhiên tất cả đều cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT để hạn chế thí sinh nộp vào”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, TS. Lê Trung Thành, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên trường Đại học Thủy lợi (Cơ sở 2 TPHCM) cho rằng, việc các trường nhóm giữa và nhóm trên thông báo nhận điểm sàn xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ sẽ khiến nhiều thí sinh ở mức điểm này thiệt thòi, “nhầm tưởng” vì nghĩ mình có cơ hội.
Theo ông Thành, thực tế nhiều năm qua, điểm chuẩn vào trường của các ngành của các trường này luôn ở mức cao. “Thậm chí, có trường có ngành điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ cả chục điểm nhưng vẫn đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ là điều không hợp lý. Các trường cần mạnh dạn điều chỉnh mức điểm sàn để tạo điều kiện cho thí sinh đưa ra những lựa chọn xác thực tăng khả năng trúng tuyển”, ông Thành nói.
GS.TS. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định, không ủng hộ việc các trường nhóm trên nhận hồ sơ bằng điểm sàn.
Ông Hóa cho rằng việc này không chỉ gây khó khăn cho các thí sinh, cho các trường nhóm dưới mà còn có thể khiến lượng hồ sơ ảo tăng lên, khó khăn trong việc quản lý.
Trước tình trạng nhiều trường cào bằng mức điểm nhận hồ sơ như hiện nay, theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh chỉ nên xem điểm nhận hồ sơ là điều kiện cần, quan trọng là phải so sánh điểm của mình với điểm chuẩn các năm trước của ngành, trường đó.
Chẳng hạn, thí sinh có mức điểm cao hơn điểm chuẩn năm 2016 từ 1-2 điểm trở lên thì có cơ hội trúng tuyển cao. Ngược lại, nếu điểm thi bằng với điểm chuẩn năm 2016, nên tìm cơ hội ở những trường top dưới để có cơ hội học ngành mình thích.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Vì đối với những trường nhóm đầu, số điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhích lên do kỳ thi năm 2017 có nhiều em đạt điểm cao. Còn các trường nhóm giữa và nhóm dưới, dự báo điểm chuẩn không chênh lệch so với năm 2016. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng, phải nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường và xem xét kỹ 2 năm trước điểm trúng tuyển ra sao để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Điểm thi năm nay cao hơn năm trước. Vậy nên thí sinh không nên chủ quan và nên đặt thêm nguyện vọng ở các trường hằng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có của mình thì mới có khả năng đỗ.
Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, các thí sinh cần cân nhắc số điểm của mình và sắp xếp nguyện vọng sao phù hợp. Nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự điểm giảm dần và dựa trên điểm chuẩn của các ngành học năm ngoái.
Nguồn www.chinhphu.vn