Căn cứ quy hoạch nêu trên, tính đến cuối tháng 6-2017, UBND tỉnh đã cấp 44 Giấy phép (GP) thăm dò cát xây dựng với tổng diện tích 161 ha, trong đó có 34 GP đã được phê duyệt trữ lượng và được cấp phép khai thác với tổng diện tích 112 ha, trữ lượng khai thác 1.631.096 m3, tổng công suất 433.630 m3/năm; 9 GP còn lại đang thăm dò và đang lập hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác. Ngoài ra, có 1 khu vực được cấp Giấy đăng ký khai thác trong dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với diện tích 40 ha, trữ lượng khai thác là 268.972 m3, công suất khai thác 53.794 m3/năm. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định pháp luật về khoáng sản hiện hành, quá trình thẩm định, giải quyết cấp phép có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan...
Khai thác cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh, đó là các sông, suối trên địa bàn có đặc thù là ngắn, hẹp và dốc, không đủ điều kiện vận chuyển cát bằng giao thông đường thuỷ, việc khai thác cát được thực hiện chủ yếu bằng cơ giới (sử dụng máy xúc và xe ô tô vận chuyển) nên công tác quản lý cũng như ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản cát xây dựng trái phép tại các lưu vực sông, suối khá thuận lợi. Hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh diễn ra chủ yếu do người dân địa phương khai thác để phục vụ xây dựng công trình dân sinh với phương pháp khai thác thủ công, khối lượng khai thác nhỏ và thường diễn ra ở các nhánh sông, suối nhỏ có lượng cát tích tụ theo mùa mưa. Để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi sông suối trái phép và triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản”, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 27-10-2015 “Về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 6-7-2016 “Quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các cấp trong việc phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý, trong đó có cát, sỏi lòng sông. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý dứt điểm; các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã tăng cường trách nhiệm, chủ động phối hợp kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép theo thẩm quyền quy định. Đồng thời, UBND tỉnh còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản theo thẩm quyền quy định. Chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Đội kiểm tra liên ngành để cơ động phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Đến nay, 100% huyện, thành phố đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành, nhờ đó hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát, sỏi lòng sông thời gian qua trên địa bàn tỉnh được phát hiện và xử lý, ngăn chặn kịp thời nên giảm đáng kể, chưa để xảy ra trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép với khối lượng lớn, kéo dài, gây tác động xấu đến dòng chảy và môi trường. Mặt khác, để nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ, phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được bền vững, vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra toàn diện Quy hoạch thăm dò, khai thác cát xây dựng trên sông Dinh (Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 13-3-2017) nhằm kiểm tra, đánh giá thực trạng các khu vực được cấp phép thăm dò, khai thác và đánh giá lại điều kiện khai thác của từng vị trí, khu vực quy hoạch để đề xuất ban hành chính sách quản lý thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cụ thể đối với từng loại khoáng sản và kịp thời điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo khu vực được quy hoạch đủ điều kiện cho thăm dò, khai thác cát, sỏi, không gây tác động xấu đến bờ sông, các công trình thủy lợi và dòng chảy tự nhiên của sông và môi trường xung quanh…
Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, cát, sỏi trong lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh là loại khoáng sản có tính đặc thù, thường xuyên bị ngập nước, trữ lượng cát thay đổi phụ thuộc vào yếu tố dòng chảy của sông suối nên công tác kiểm tra, giám sát về phạm vi ranh giới khai thác, nhất là ranh giới theo chiều sâu là rất khó khăn, dẫn đến việc kiểm tra, xác định trữ lượng đã khai thác của các tổ chức, cá nhân được cấp phép gặp nhiều khó khăn, khó phát hiện và kiểm soát về sản lượng đã khai thác. Không những vậy, trên địa bàn tỉnh có một số điểm quy hoạch thăm dò, khai thác cát xây dựng tại các sông nhánh, suối nhỏ, trữ lượng thấp, không tập trung và hầu như không có tổ chức, cá nhân nào đầu tư thăm dò, khai thác... Do vậy, các khu vực này thường diễn ra các hoạt động khai thác trái phép, hơn thế nữa các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng tinh vi và luôn cảnh giác, theo dõi lực lượng kiểm tra, dẫn đến việc ngăn chặn, giải tỏa chưa được triệt để. Một hạn chế nữa là công tác kiểm tra, truy quét, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa được chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời; khi phát hiện sai phạm, chính quyền địa phương thiếu đôn đốc các tổ chức, cá nhân khắc phục và xử lý chưa kiên quyết, dứt điểm, nhất là các đơn vị chây ì, cố tình vi phạm pháp luật kéo dài nên dẫn đến tình trạng hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái pháp luật vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện công tác tham mưu quản lý về khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã, cũng như kinh phí cho công tác quản lý còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, đưa công tác quản lý cát, sỏi đi vào nền nếp, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phục vụ tốt nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 27-10-2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết giải tỏa hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp sai phạm. Tiếp tục kiểm tra, rà soát và dừng hoạt động khai thác các vị trí đã cấp phép khai thác nhưng chưa đánh giá đầy đủ được hiệu quả trong quá trình khai thác, có nguy cơ gây sạt lỡ, ảnh hưởng đến công trình thủy lợi và tác động ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường quản lý, khai thác cát, sỏi vừa mới diễn ra. Phó Thủ tướng nêu rõ: Cát, sỏi là vật liệu xây dựng thiết yếu của xã hội, nhưng nếu việc khai thác quá mức sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đất bãi, gây thiệt hại đến tài sản của Nhân dân. Vì vậy, việc khai thác cát, sỏi phải được quy hoạch trên cơ sở tính đến nhu cầu sử dụng chung của cả nước, của các địa phương và đánh giá tác động môi trường, quản lý và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Mai Dũng