VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Cần coi thị trường là mệnh lệnh!

(NTO) Vừa qua, sự kiện nổi bật của ngành Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT) đó là Bộ này vừa thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để thay thế Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối với mong muốn gắn sản xuất với định hướng thị trường. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, khâu chế biến, thị trường còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc “giải cứu” hết nông sản này đến nông sản khác. Hiện thị trường thế giới biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản, vì thế, việc thành lập Cục nói trên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường, đặc biệt thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, không có thị trường thì không sản xuất. Mục tiêu mà ngành đặt ra là sẽ khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu người...

Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Thuận) áp dụng thiết bị cơ giới chăm sóc mía đường. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, “giải cứu” nông sản là một điệp khúc buồn của ngành Nông nghiệp nước ta, diễn ra từ năm nay sang năm khác, chưa tìm ra lối thoát. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp liên tiếp trong tình trạng “giải cứu” nhiều mặt hàng nông sản, hết chuối ở Đồng Nai, đến dưa hấu Quãng Ngãi… và cao điểm là cuộc khủng hoảng thừa heo gần đây đã đẩy người chăn nuôi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bán cũng lỗ, nuôi “chờ” giá càng lỗ hơn!..

Nhìn lại tỉnh ta, tuy nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa thành hàng hóa với sản lượng lớn đến mức phải kêu gọi “giải cứu”, nhưng điều đáng nói là điệp khúc “được mùa rớt giá” gần như năm nào cũng diễn ra đến nỗi ngành chức năng như Nông nghiệp, Công Thương cũng đành bó tay, phó mặc cho nông dân tự bơi trong sự may rủi!. Thử nêu vài ví dụ, vùng nguyên liệu mía, mỳ Ninh Sơn với diện tích vài ngàn ha/vụ, cung cấp cho hai nhà máy chế biến trong tỉnh. Đây là thuận lợi cho cả nhà nông và nhà máy bởi có sự gắn kết từ nhiều năm qua, cự ly vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến nhà máy không xa…Thế nhưng, năm nào người trồng cũng than phiền về tình trạng nhà máy không mua hết nguyên liệu, giá cả không khuyến khích, thậm chí là quá thấp đến mức nông dân muốn “đoạn tuyệt” với những cây trồng này để chuyển hướng sang cây trồng khác!. Nguyên nhân là do sản xuất tập trung mà lẽ ra trồng rải vụ để giảm áp lực vượt công suất nhà máy; sản xuất không theo khuyến cáo của đơn vị chế biến…Ngoài ra, lúa, nho, táo, dưa hấu, ngay cả cây nha đam cũng “nhạy cảm” với thị trường mặc dù được mệnh danh là cây triệu phú nhưng có những thời điểm nông dân phải phá bỏ vì…không có thị trường tiêu thụ.

Nêu ra vấn đề trên để thấy rằng thực tế sản xuất nông nghiệp tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp so với khu vực. Đó là chưa đề cập đến “tư duy” sản xuất “ăn xổi ở thì” như mặc dù ngành Nông nghiệp đã đưa ra quy hoạch đối với nhiều loại cây trồng nhưng thực tế ở các địa phương vẫn xảy ra tình trạng “xé” quy hoạch, chạy theo thị trường trước mắt. Mặt khác, nước ta còn là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nên tính rủi ro vẫn còn cao…Theo một số chuyên gia, phát triển thị trường là khâu yếu nhất của ngành Nông nghiệp từ trước đến nay. Đáng lẽ cần phải xác định thị trường rồi mới tổ chức sản xuất, tức là phải sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng thì đang làm ngược lại. Trước tình hình đó, để sản xuất gắn với thị trường, theo mệnh lệnh của thị trường thì ngành Nông nghiệp phải đẩy mạnh cơ cấu lại trong từng lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy, hải sản. Xây dựng những vùng chuyên canh lớn, chăn nuôi hướng tới mô hình trang trại thì mới có thể kiểm soát được đầu vào - đầu ra, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Và đặc biệt, khâu chế biến cần được tập trung sâu và đẩy mạnh…

Thực hiện hiệu quả chức năng của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thì sự “ra đời” của Cục sẽ là kỳ vọng lớn cho nông dân trong việc gắn sản xuất với thị trường, “giải thoát” căn cơ tình trạng“được mùa rớt giá”, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống từ tư duy sản xuất mới trên chính đồng đất của mình.