1. Vấn đề chống khủng bố tiếp tục nhận được sự chú ý của thế giới trong tuần. Tại Iraq, chỉ vài giờ sau khi các lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát đền thờ Hồi giáo Al-Nuri ở thành phố Mosul (Mô-xun), ngày 29-6, Thủ tướng nước này Haider al-Abadi (Hai-đơ An A-ba-đi) đã đến Mosul và tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đi đến hồi kết.
Phát biểu tại Bộ Chỉ huy các chiến dịch chung (JOC) ở Mosul, Thủ tướng Abadi nêu rõ “việc IS tiến hành phá nổ đền thờ Al-Nuri và tòa tháp Al-Hadbaa cùng các lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát đền thờ đánh dấu sự kết thúc của IS”, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch truy lùng cho đến khi phần tử IS cuối cùng bị bắt giữ hoặc tiêu diệt. Liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu cũng cho rằng việc giành lại thành phố Mosul từ tay IS có thể sẽ diễn ra trong “vài ngày tới”… Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng khi IS bị mất quyền kiểm soát lãnh thổ và suy yếu do thương vong lớn trên những chiến trường chính ở Trung Đông, lực lượng này sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang những khu vực khác, như Đông Nam Á và Afghanistan.
Đền thờ Al-Nuri cùng tòa tháp Al-Hadbaa được xây dựng từ năm 1172 sau Công nguyên, nên Mosul còn được mọi người biết đến với tên gọi Al-Hadbaa. Kể từ tháng 6-2014, IS đã chiếm giữ Mosul cùng nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và nước láng giềng Syria, đồng thời tuyên bố thành lập “Vương quốc Hồi giáo”.
2. Thông tin cũng được dư luận quan tâm, đó là Tổng thống Philippines đang nhận được sự ủng hộ cao từ người dân.
Bất chấp cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi và sự trỗi dậy của phiến quân Hồi giáo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Rô-đri-gô Đu-téc-tê) vẫn giành được uy tín cao trong nước sau 1 năm cầm quyền. Theo cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất do 1 viện nghiên cứu độc lập tiến hành từ ngày 25 đến 28-3, có tới 75% người trưởng thành được hỏi bày tỏ sự hài lòng với sự điều hành đất nước của Tổng thống Duterte trong khi chỉ có 9% người không hài lòng... Theo chuyên gia phân tích chính trị, Giáo sư Ramon Casiple (Ra-môn Ca-xíp), đã có những thay đổi lớn lao trên phương diện cộng đồng nhờ vào việc thực thi chiến dịch chống ma túy, theo đó, nhịp sống ban đêm đã được nối lại, không còn sự sợ hãi như trước kia và các đối tượng buôn bán ma túy bất hợp pháp không còn xuất hiện nhiều trên đường phố.
Về việc thay đổi quan hệ đồng minh, ABC cho rằng năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Duterte sẽ được nhớ đến với việc thay đổi bất ngờ chính sách ngoại giao cùng việc xa rời đồng minh truyền thống như Mỹ. Giáo sư Casiple nhấn mạnh: “Về cơ bản, chính sách đối ngoại độc lập là điều mà Tổng thống Duterte đang theo đuổi và chính sách này có nghĩa Manila đang rời bỏ mối quan hệ đặc biệt với Washington. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng chủ trương tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc, đem lại các nguồn đầu tư và hợp tác dồi dào cho Philippines”.
Về kinh tế, dù tăng trưởng kinh tế của Philippines trong quý I-2017 chỉ đạt 6,4%, thấp hơn so với sự trông đợi của nhiều nhà phân tích và là quý có mức tăng trưởng thấp nhất trong một năm qua, song đây vẫn là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà phân tích đánh giá cao việc Tổng thống Duterte đã lựa chọn những nhân vật phù hợp để gánh vác trách nhiệm điều hành nền kinh tế. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu đạt tăng trưởng từ 6,5-7,5% trong năm nay.
3. Đan Mạch - quốc gia đáng sống nhất trên thế giới. Tổ chức nhân đạo quốc tế Social Progress Imperative (SPI) ngày 29-6 công bố kết quả khảo sát cho thấy Đan Mạch là quốc gia đáng sống nhất trên thế giới khi dẫn đầu về chỉ số phát triển xã hội với 90,57 điểm.
Dưới sự hỗ trợ của hãng kiểm toán Deloitte, cuộc khảo sát trên được thực hiện tại 128 quốc gia trên thế giới, căn cứ theo 50 tiêu chí, như xã hội, kinh tế, môi trường, y tế... Nằm trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu về chỉ số phát triển xã hội, ngoài Đan Mạch còn có Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Australia và New Zeland.
Ba quốc gia có chỉ số xếp hạng phát triển xã hội thấp nhất trong 128 nước tham gia khảo sát là CH Trung Phi (28,38 điểm), Afghanistan (35,66 điểm) và CH Chad (35,69 điểm).
Chỉ số phát triển xã hội là thước đo khả năng của một xã hội, một quốc gia đối với việc đáp ứng những nhu cầu căn bản của các công dân, cũng như đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân.
M.D