1.Trong nước
* Ngày 1-7-1915: Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc) là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12-1986 đến tháng 6-1991.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí là người khởi xướng chủ chốt sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân Việt Nam. Đồng chí cũng là người khởi xướng và kiên trì thực hiện “Những việc cần làm ngay” nhằm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, để thực hiện công bằng xã hội, ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
Đồng chí mất ngày 27-4-1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
* Ngày 1-7-1917: Nam Phong tạp chí ra đời
Bước sang đầu thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam nhận thấy chữ Quốc ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá và báo chí. Vì vậy, họ thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở rộng, phát triển báo chí Quốc ngữ và xem báo chí là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải chữ Quốc ngữ đến với nhân dân lao động.
Song, chỉ đến khi Đông Dương tạp chí (năm 1913) và Nam Phong tạp chí (năm 1917) ra đời, thì vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của báo chí mới thực sự nở rộ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Nam Phong tạp chí đã có đóng góp đáng kể trong việc chuyển tải văn hóa phương Tây vào Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hóa để làm cho ngôn ngữ nước nhà càng phong phú và không làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt.
* Ngày 1-7-1954: Giải phóng thành phố Nam Định
Thành phố Nam Định là thành phố đầu tiên trong cả nước được hoàn toàn giải phóng, mở đầu một trang sử mới.
Đến nay, sau khi được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Nam Định đã tạo cho mình một hướng đi tương đối toàn diện, đóng vai trò trung tâm khu vực và có tầm ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, sau 22 năm tái lập tỉnh (năm 1997), đến nay tổng sản phẩm GRDP tăng 7%; thu nhập đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 3,91%.
* Ngày 1-7-1957: Ngày thành lập Viện Sốt rét Ký Sinh trùng - Côn trùng Trung ương
Trải qua 60 năm phát triển, Viện Sốt rét Ký Sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã nghiên cứu, chỉ đạo các biện pháp làm giảm tỷ lệ bệnh sốt rét, giảm chết và giảm dịch sốt rét; phòng chống các côn trùng truyền bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng cho người trên phạm vi toàn quốc.
Công tác phòng chống sốt rét hằng năm đã góp phần bảo vệ cho từ 9 triệu đến 11 triệu người bằng hóa chất diệt muỗi, cung cấp từ 800 nghìn đến 1 triệu liều thuốc sốt rét các loại và cung cấp màn miễn phí cho người nghèo ở vùng có dịch sốt rét.
* Ngày 1-7-1989: Tái lập tỉnh Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập ngày 1-7-1989, trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Sau 28 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã mang một diện mạo mới đầy sức sống, trở thành tâm điểm về phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây.
Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 16.670 tỷ đồng, tăng 5,1%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17.299 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người (tương đương 2.293 USD/người).
* Ngày 1-7-2008: Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ
Đây là chức Chủ tịch luân phiên hàng tháng giữa 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Những dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA LHQ với vị thế là chủ tịch luân phiên đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong 1 tháng đảm nhiệm cương vị này, dư luận thế giới đánh giá: “Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán; đồng thời đã có những đóng góp tích cực trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an”.
Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng cho thấy vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
* Ngày 1-7-2006: Ngày mất Ðại tướng Chu Huy Mân
Ðại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913. Suốt cuộc đời, ông đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với 76 tuổi Đảng, 61 tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc tài ba, thao lược trên chiến trường suốt 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, luôn gắn liền với hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông còn là một người có biệt tài về xây dựng bản lĩnh chính trị, quân sự, niềm tin và đạo đức cách mạng cho người lính.
2.Thế giới
* Ngày 1-7-1646: Ngày sinh nhà triết học, toán học người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz
Leibniz sinh tại Leipzig (Đức).
Ông nổi tiếng trong lĩnh vực triết học và toán học.
Trong toán học, ông khám phá ra vi tích phân, độc lập với Isaac Newton, và kí hiệu tích phân của ông được sử dụng rộng rãi sau đó. Ông còn khám phá ra hệ thống số nhị phân, nền tảng của hầu hết các cấu trúc máy tính hiện đại.
Trong triết học, ông là người mở đường cho phái triết học duy tâm cổ điển và triết học duy tâm biện chứng ở Đức.
Ông qua đời ngày 14-11-1716, tại Hannover (Đức).
* Ngày 1-7-1879: Ngày sinh nhà lãnh đạo công đoàn người Pháp Leon Jouhaux
Jouhaux sinh tại Paris, Pháp. Năm 16 tuổi, ông được nhận vào làm việc tại nhà máy diêm và ngay lập tức trở thành thành viên quan trọng của công đoàn. Năm 1900, ông tham gia vào một cuộc đình công chống lại việc sử dụng chất phospho trắng. Vì thế, ông bị liệt vào danh sách đen và bị đuổi việc.
Năm 1906, ông trở thành người đại diện công đoàn của hiệp hội công nhân nhà máy diêm. Năm 1909, ông được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ Lao động.
Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Hội đồng Châu Âu, Phó Chủ tịch Liên minh quốc tế về tự do thương mại, Phó Chủ tịch Hội đồng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và là đại biểu tham dự các kỳ họp của Liên hợp quốc.
Ông được vinh dự nhận giải Nobel hòa bình năm 1951.
Jouhaux qua đời ngày 28-4-1954.
* Ngày 1-7-1908: Tín hiệu SOS được chấp thuận và sử dụng phổ biến
Được Chính phủ Đức thông qua năm 1905 và trở thành chuẩn quốc tế năm 1908, SOS không có ý nghĩa riêng của nó, và cũng không phải một cụm từ viết tắt. Ký hiệu này được sử dụng đơn giản là vì nó dễ nhớ, dễ gửi đi và dễ nhận biết bằng mã Morse.
Không chỉ là tín hiệu mã hóa âm thanh, SOS còn được biết đến như tín hiệu cầu cứu bằng thị giác. Bạn có thể phát tín hiệu cầu cứu bằng một đoạn mã hóa gồm, ba lần nháy đèn ngắn, ba lần dài và tiếp đến là ba lần ngắn, giống như trong mã Morse.
Ngoài ra 3 chữ cái SOS có thể được vẽ lên mặt đất hoặc bất kỳ một bề mặt nào để phát đi tín hiệu cầu cứu. Vì 3 chữ cái này có thể nhìn ngược hoặc nhìn từ trên xuống vẫn không thay đổi.
Do đó, nó là tín hiệu nguy hiểm và cầu cứu được sử dụng phổ biến nhất thế giới.
* Ngày 1-7-1993: Tàu con thoi Endeavour hạ cánh thành công, kết thúc nhiệm vụ STS-57
Tàu con thoi Edeavour STS-57 được phóng lên không gian ngày 21-6-1993, cùng 6 thành viên phi hành đoàn. Nhiệm vụ chính của các nhà du hành là thu hồi vệ tinh EURECA, kiểm tra quá trình vận hành của cánh tay máy trên phi thuyền và tiến hành các thí nghiệm sinh hoá, vật liệu.
Trong 10 ngày trên không gian, Endeavour đã bay 155 vòng quanh Trái Đất với chiều dài quãng đường tổng cộng 6 triệu 6 trăm linh tám nghìn km.
* Ngày 1-7-1997: Chính phủ Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc
Hiệp ước chuyển giao chủ quyền có hiệu lực lúc 0h00 ngày 1 tháng 7, đánh dấu việc chấm dứt hơn 100 năm bán đảo này là thuộc địa của Anh.
Kể từ khi được chuyển giao, Hồng Kông đã trở thành một phần của Trung Quốc nhưng đặc khu này nắm giữ gần như tất cả quyền kiểm soát về kinh tế, từ đồng tiền lưu hành, thuế quan, hệ thống tòa án và ngân sách. Bắc Kinh chỉ kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Khoảng thời gian 20 năm đã làm cho Hồng Kông thay đổi nhanh chóng. Năm 2016, Viện Phát triển Quản lý Quốc tế công bố Hồng Kông là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, dựa trên bốn chỉ số đánh giá tổng thể, bao gồm hiệu quả kinh tế, hiệu quả của chính quyền, hiệu quả kinh doanh và cơ sở hạ tầng…
* Ngày 1-7-2002: Tòa án hình sự quốc tế (ICC) chính thức đi vào hoạt động
ICC ra đời theo Qui chế Rome và chính thức đi vào hoạt động khi Qui chế này có hiệu lực vào ngày 1-7-2002.
ICC tượng trưng cho sức mạnh của các dân tộc, của cộng đồng quốc tế và xã hội loài ngoài bằng một thiết chế tố tụng của Luật hình sự quốc tế do chính nhân loại đặt ra. Tòa án quốc tế có thẩm quyền xét xử các tội ác nghiêm trọng nhất trong xã hội chống lại loài người, xâm phạm đến các quyền con người.
Từ khi ICC ra đời cho đến nay đã có nhiều nhân vật chính trị, quân sự bị bắt giữ và xét xử bởi định chế pháp lý quốc tế này.
Số quốc gia thành viên của ICC hiện nay đã lên tới 124. Việt Nam hiện chưa là thành viên của ICC.
* Ngày 1-7-2006: Trung Quốc khánh thành tuyến đường sắt tới Tây Tạng
Tuyến đường sắt dài 1.140 km, có tổng chi phí xây dựng là 4,2 tỷ USD, nối thành phố Thanh Hải với vùng Tây Tạng hùng vĩ. Đây là tuyến đường sắt cao nhất thế giới và là tuyến đường sắt đầu tiên nối liền khu vực được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" này với phần còn lại của đất nước.
Tuyến đường này có công nghệ xây dựng phức tạp và tiên tiến nhất thế giới. Các toa tàu được thiết kế như khoang máy bay để bảo vệ hành khách trước độ cao quá lớn, với điểm cao nhất của công trình lên tới hơn 5.000 mét so với mực nước biển. Không khí bên trong tàu được điều hòa tự động để cân bằng tại những nơi thiếu dưỡng khí mà tàu chạy qua.
Công trình này không chỉ là một thành công rực rỡ trong lịch sử xây dựng đường sắt của Trung Quốc mà còn là "điều kỳ diệu" của thế giới.
* Ngày 1-7-2009: Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Liudmila Zykina từ trần
Bà sinh ngày 10-6-1929 tại Moscow (Nga). Bà là nữ ca sĩ có giọng hát dân ca nổi tiếng.
Zykina bắt đầu hoạt động nghệ thuật năm 1947, từng biểu diễn trong thành phần Dàn đồng ca dân tộc Nga mang tên Pyatnitsky, Dàn đồng ca của Đài Phát thanh Liên Xô và Phòng hòa nhạc Moscow. Năm 1977, bà sáng lập Đoàn ca nhạc dân tộc Hàn lâm Nga mang tên "Nước Nga".
Trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, bà đã thể hiện hơn 2.000 bài hát dân ca Nga với đề tài ca ngợi quê hương và tình yêu tổ quốc. Tổng số đĩa hát phát hành của bà lên tới hơn 6 triệu bản.
* Ngày 1-7-2013: Ấn Độ phóng vệ tinh dẫn đường đầu tiên
Ấn Độ phóng lên quỹ đạo vệ tinh dẫn đường đầu tiên trong số 7 vệ tinh của Hệ thống vệ tinh dẫn đường khu vực Ấn Độ (IRNSS).
Vệ tinh nặng 1.425kg, được phóng từ bệ phóng vệ tinh địa cực (PSLV C22) ở Trung tâm vũ trụ Satish Dawan tại Sriharikota, thuộc bang Andhra Pradesh.
Tương tự Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ, IRNSS cung cấp dịch vụ trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự, như giúp quản lý các hoạt động của quân đội Ấn Độ hay dự báo thảm họa...
IRNSS cũng cung cấp dịch vụ thông tin định vị chính xác cho những người sử dụng trong nước và nước ngoài, cách biên giới Ấn Độ tới 1.500 km.
Trung tâm Thông tin tư liệu