1. Trong tuần, một trong những sự kiện trên thế giới được quan tâm, đó là đối thoại Mỹ-Trung lần đầu tiên dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, ngày 21-6-2017, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc đối thoại an ninh-ngoại giao đầu tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Đây cũng là một trong 4 hình thức cấp cao nhất trong cơ chế đối thoại toàn diện được hai nước đưa ra tại cuộc gặp Mar-a-Lago giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 4-2017 vừa qua. Tại cuộc đối thoại an ninh-ngoại giao lần đầu tiên này, bán đảo Triều Tiên là vấn đề “phủ bóng” chương trình nghị sự. Hai bên đã nhất trí về một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, phiên đối thoại an ninh-ngoại giao đầu tiên cũng thảo luận một số nội dung khác như tranh chấp biển Đông, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ-Trung.
2. Thông tin cũng rất đáng chú ý: Các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác chống khủng bố. Ngày 22-6-2017, tại thủ đô Manila của Philippines đã diễn ra cuộc họp của Ngoại trưởng ba nước Đông Nam Á là Philippines, Malaysia và Indonesia nhằm thúc đẩy nỗ lực hợp tác ngăn chặn khủng bố.
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta của Indonesia và chiến sự kéo dài một tháng qua giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi. Điều này cho thấy lực lượng này đã thay đổi chiến lược “vươn vòi bạch tuộc” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria.
Trong tuyên bố chung của cuộc họp, các ngoại trưởng đã bày tỏ lo ngại về các vụ tấn công liên quan tới khủng bố xảy ra gần đây ở mỗi nước, đồng thời cam kết tăng cường kiểm soát đối với phiến quân IS đang hoạt động trong khu vực, như siết chặt nguồn tiền tài trợ; kiềm chế sự lan tràn của những nội dung mang tính khủng bố hoặc liên quan tới khủng bố trong không gian mạng, nhất là trên các trang mạng xã hội; chặn đứng hoạt động buôn lậu vũ khí, cũng như hoạt động đi lại của các phần tử khủng bố nhất là ở những khu vực giáp biên giới của ba nước...
3. Trong một diễn biến khác về vấn đề chống khủng bố đó là sau những thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq chính là nguyên nhân khiến tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đẩy mạnh các hoạt động khủng bố nhằm vào các nước phương Tây.
Kể từ tháng 3 tới nay, các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại Anh, Pháp và Bỉ khiến hàng chục người thiệt mạng. Đây cũng là thời điểm mà các tay súng của IS bị tấn công và co cụm ở những thành phố được coi như “đại bản doanh” như Mosul (Mô-xun, Iraq) và Raqqa (Ra-ca, Syria).
Theo chuyên gia an ninh và quân sự của Iraq Abdullah al-Jubouri (Áp-đu-a an Giu-bâu-ri), những thất bại liên tiếp của IS sẽ thúc đẩy các nhóm khủng bố đi tìm “vùng đất thay thế”. Ông Jubouri cũng chỉ ra một số nguyên nhân đằng sau sự gia tăng các vụ khủng bố tại châu Âu trong thời gian qua. Trong đó, những nguyên nhân chính gồm việc IS mất đi những thủ lĩnh quan trọng, sự chia rẽ trong nội bộ, tư tưởng chán nản, sự suy giảm số phần tử liều chết và sụt giảm nguồn thu do nhiều giếng dầu mà chúng chiếm đóng tại Iraq và Syria đã bị thu hồi. Hơn nữa, IS tin rằng việc kích động các phần tử liều lĩnh gây ra những vụ tấn công khủng bố tại châu Âu sẽ khiến các quốc gia mà chúng coi là kẻ thù chịu tổn hại nặng nề hơn và khiến họ run sợ. Chính vì tư tưởng này nên IS đang chuyển chiến lược sang gây hấn ngay tại các quốc gia phương Tây. Nguy hiểm nằm ở chỗ thay vì để các phần tử khủng bố liên quan tới bộ máy IS trực tiếp thực hiện các vụ tấn công, IS lại kích động các cá nhân có tư tưởng cực đoan làm điều này... Và một nguyên nhân khác nữa mà chuyên gia cũng nhắc tới chính là tình trạng an ninh đang ngày càng xấu đi tại châu Âu do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng di cư diễn ra tại châu lục này từ năm 2015. Chính cuộc khủng hoảng đã tạo cơ hội cho các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người di cư, thâm nhập vào xã hội châu Âu và hình thành những mạng lưới khủng bố ngay tại đây. Trong khi đó, chính phủ các nước gần như chưa có biện pháp triệt để nào để ngăn chặn công dân của mình tới Syria và Iraq tham gia lực lượng của IS. Vì thế cuộc chiến chống khủng bố sẽ là thử thách của nhiều thế hệ khi mà hàng nghìn tay súng thánh chiến vẫn đang âm thầm trở về quốc gia của mình từ chiến trường khi mà các “đại bản doanh” của chúng dần bị thất thủ.
M.D