Chiến thuật bóng đá đã thay đổi như thế nào trong năm 2010?

World Cup không còn là nơi phản ánh các xu hướng chiến thuật hay thể hiện sự sáng tạo và ra mắt những mẫu hình mới trong thế giới bóng đá trong khi tương lai thuộc về lối chơi tấn công. Đó là hai khuynh hướng chính của chiến thuật bóng đá trong một năm 2010 đầy sôi động.

 Xavi của Tây Ban Nha (áo sậm)
 

World Cup & 4-2-3-1

 Từ trước đến giờ, các vòng chung kết thế giới luôn giống như một sân khấu nơi các HLV thiên tài giới thiệu những khai sáng của họ với thế giới bóng đá rồi sau đó các hệ thống mới sẽ nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Brazil đã khiến thế giới ngây ngất với 4-2-4 năm 1958 để rồi mọi đội bóng đều học theo. Anh thể hiện sự hiệu quả của sơ đồ 4-4-2 năm 1966. Bóng đá tổng lực được biết đến qua Hà Lan 1974. Còn thành công của Argentina năm 1986 gắn liên với hệ thống ba hậu vệ. Không có cuộc cách mạng lớn nào như thế ở Nam Phi mùa hè vừa qua. Có chăng, chỉ là lời xác quyết rằng đội hình 4-4-2 đã trở nên lỗi thời trước hệ thống 4-2-3-1, nhưng sơ đồ này đã được các CLB ở châu Âu sử dụng từ rất lâu rồi.
 

 Nhiều người cũng cáo buộc hệ thống chỉ có một tiền đạo này là nguyên nhân khiến World Cup thiếu hấp dẫn và có quá nhiều đội chơi phòng ngự. Nhưng nên nhớ, các sơ đồ đều là trung tính. Chính những người sử dụng và triển khai mang đến các đặc điểm tích cực hay tiêu cực cho chúng. Nhiều HLV ưa thích 4-2-3-1 vì họ muốn chơi phòng ngự và muốn lèn chặt người ở khu vực giữa sân, nhưng với một số đội, hai tiền vệ cánh dâng cao như những tiền đạo và một cầu thủ kiến tạo phía sau trung phong duy nhất có thể chơi thứ bóng đá lộng lẫy như thường. Ai cũng biết ví dụ về TBN và Đức ở Nam Phi.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng hầu hết các đội bóng ở World Cup đã triển khai hệ thống đó với tư duy phòng ngự. Thứ nhất, các HLV ĐTQG không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho World Cup như những người đồng nghiệp gắn bó lâu dài với đội bóng ở cấp CLB. Thứ hai, thực tế rằng các ĐTQG chỉ chơi tối đa là 7 trận ở một kỳ World Cup khiến nhu cầu mạo hiểm, theo lý thuyết kinh tế học hành vi, giảm đi đáng kể vì chơi tấn công đồng nghĩa với rủi ro tăng cao mà mỗi sai lầm, không như với các CLB trong một mùa giải dài, thường là không thể sửa chữa.

Điều đó phần nào giúp giải thích tại sao TBN và Đức, đều là những đội bóng ổn định ít nhất 3-4 năm qua với các cầu thủ hiểu nhau rất rõ và gần như toàn bộ chơi trong nước, là những đội dám trung thành với lối đá tấn công. Brazil và Hà Lan, cũng chơi 4-2-3-1, thì không như thế, do các đội bóng này hoặc bị những chấn thương đe dọa, hoặc dựa quá nhiều vào các cá nhân đơn lẻ trong những trận đấu lớn.

Ngoài ra, việc nhà vô địch TBN không ghi được nhiều bàn thắng và không chơi đẹp mắt như Barcelona còn một lý do nữa. Họ chẳng thể làm khác khi đối thủ nào cũng đẩy một chiếc xe buýt ra trước khung thành. Thật ra không chỉ có năm 2010, đã khá lâu rồi World Cup không được chứng kiến một trận đấu vĩ đại thực sự, có lẽ là phải kể từ sau trận Hà Lan-Brazil ở World Cup 1994. Trận bán kết Đức-Italia năm 2006 đã tiến rất gần đến đẳng cấp đó, nhưng chỉ là một ngoại lệ quá hiếm hoi.

Hệ thống 3 trung vệ trở lại

Kỳ World Cup 2010 thực ra chỉ là lặp lại những gì các CLB đã làm trước đó. Chưa kể sự suy yếu của hệ thống 4-4-2 có lẽ đã được nói quá lên. Nhiều đội bóng thực ra không phân biệt rõ giữa 4-4-2 và 4-2-3-1, như M.U mùa này. Nhìn chung Alex Ferguson vẫn sử dụng hệ thống hai tiền đạo, trừ khi ông xác định trước đó là một trận xương xẩu (như khi gặp Arsenal hay Manchester City), nhưng ngay cả trong hệ thống 2 tiền đạo, Ferguson vẫn yêu cầu một người chơi lùi và hàng tiền vệ do đó dao động từ 4-5 người, tùy theo tình huống.

Uruguay từng chơi với 3 trung vệ trong trận gặp Pháp ở WC 2010 - Ảnh: Getty

 Một xu thế khác cần phải nhắc đến trong năm vừa qua là sự trở lại của hệ thống ba trung vệ, tưởng như đã tuyệt chủng trong thời hiện đại. Uruguay đã chơi với đội hình này trước Pháp và Algeria dùng nó chống lại Anh ở World Cup. Ở phương diện CLB, Estudientes vô địch Argentina sau trận hòa 0-0 trên sân khách trước đội xếp thứ hai Velez Sarsfield bằng đội hình 3-4-1-2. Ngay vòng bảng Champions League vừa qua, Glasgow Rangers đã đá 5-4-1 và khá thành công trong một bảng đấu có mặt M.U và Valencia.
 

Những đội chơi với 3 trung vệ còn là các đội có hậu vệ cánh giỏi về tấn công. Ở TBN, Barcelona là ví dụ điển hình, với đội hình dâng rất cao và thực tế chỉ có hai trung vệ, cùng một trung vệ ảo, người đá ở hàng tiền vệ, nhưng lùi về rất sâu, thường là Sergio Busquets, còn hai bên cánh là Dani Alves và Maxwell. Tuy nhiên, ở ĐT TBN, HLV Vicente Del Bosque đã khôn ngoan không rập khuôn hệ thống này, bởi trong tay ông chỉ là Sergio Ramos và Joan Capdevila. Chelsea dưới thời Luiz Felipe Scolari cũng chơi tương tự, Mikel Jon Obi đóng vai trung vệ ảo, còn Jose Bosingwa và Ashley Cole dâng rất cao ở cả hai cánh.

Barca là sự khác biệt

Barca còn giới thiệu hai khuynh hướng chiến thuật mới trong năm 2010: số 9 ảo và các cầu thủ treo cánh chuyển đổi. Một lần nữa, chúng ta không thấy những xu hướng này xuất hiện ở các ĐTQG. Khi Lionel Messi chơi ở giữa hàng tiền đạo 3 người, Barca tạo ra một mặt trận tấn công khai thác tối đa các khoảng trống theo đường chéo giữa những trung vệ và hậu vệ cánh của đối phương. Cầu thủ người Argentina không phải là một trung phong cắm kiểu cổ điển, cao to, chơi đầu giỏi, có sức càn lướt và chốt chặt ở vòng cấm, như Didier Drogba hay Edin Dzeko. Anh thường lùi rất sâu, một số 9 ảo, để David Villa và Pedro, trong vai những tiền đạo cánh chuyển đổi, có những cú đấm bất ngờ từ hai cánh. Khi hệ thống này hoạt động hiệu quả, với những cầu thủ như thế, Barcelona sẽ hủy diệt mọi đối thủ, như họ cho thấy trong trận thắng 5-0 trước Real Madrid mới vừa rồi.

CLB Barca mừng chiến thắng

Trận đấu đó tuyệt vời ở chỗ không chỉ 8 trong số 11 cầu thủ đá chính trưởng thành từ lò đào tạo của Barcelona, tức là họ có sự hiểu nhau gần như tự nhiên và luôn biết rõ đồng đội của mình sẽ hành xử thế nào trên sân bóng. Trong khi đó, ở ĐTQG, các HLV không có sự thừa thãi về thời gian như thế để tạo ra một đội bóng như Barca. Có vẻ như để tổng kết năm 2010, bài học là đang có khoảng cách ngày càng lớn dần trong trình độ giữa bóng đá ở cấp CLB và cấp ĐTQG, khi có lẽ trên thế giới hiện nay, không ĐTQG nào đủ sức chống lại những gã khổng lồ như Barcelona, M.U hay Real Madrid.

(Theo TT&VH Online)