Ngày cuối năm, ba mẹ dẫn con đi sắm tết, khi mà cơn lũ lịch sử đổ ập đến tỉnh ta vào đầu tháng mười một vừa đi qua chưa lâu lắm. Siêu thị sáng choang, sang trọng luôn đầy ắp hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng bất tận của con người trong xã hội hiện đại.
Nhìn con hồn nhiên vô tư đi lại chọn lựa và háo hức choàng chiếc áo nọ, ướm cái quần kia trước tấm gương sáng loáng trong phòng thử đồ, ba lặng lẽ nhớ đến những tấm thân trẻ thơ co ro chống chọi cái lạnh, cái rét, tìm đủ mọi cách có thể để tránh vô vàn giọt nước mưa xối xả từ trên trời không ngừng trút xuống và nước dưới chân từng giây từng phút dâng lên. Lũ về nhanh quá, ào ạt quá khiến cho ai nấy không kịp trở tay. May mắn lắm mới kịp được dìu đến nơi cao ráo; còn không, phải chống đỡ bằng cách trổ mái căn nhà thấp lè tè để leo lên ngồi chông chênh trên nóc giữa bốn bề mênh mông biển nước. Lúc đó, tài sản quý giá nhất mang theo bên mình chỉ độc bộ đồ mỏng manh sũng nước dính chặt thân người.
Minh họa: Tấn Đức
Rời quầy quần áo với bọc đồ ưng ý, con kéo tay ba đến gian hàng ê hề bánh mứt chuẩn bị cho mấy ngày xuân. Đây mứt hạt sen thơm bùi ngọt lịm, mứt quất the the đầu lưỡi, nọ mứt bí trắng tinh xôm xốp, mứt gừng dẻo quẹo vàng ươm ấm áp… Nhìn con tần ngần trước sức hấp dẫn của bao món ngon vật lạ, đắn đo cầm lên hộp nọ, đặt xuống gói kia, ba chợt hình dung những bàn tay nhỏ bé, tím tái vì lạnh, yếu ớt vì đuối sức của trẻ em vùng lũ, không có sự lựa chọn nào khác ngoài cái may mắn được chia nhau những gói mì cứu trợ từ bao tấm lòng hảo tâm, hiếu thiện. Những cọng mì sống khô khốc ngấm vô số giọt nước mưa chảy dài trên khuôn mặt trẻ thơ vô tình trở thành nguồn dinh dưỡng quý giá nhất, món ăn ngon lành nhất để giữ được sự bình an, trong sáng nơi đôi mắt trẻ thơ đêm chạy lũ kinh hoàng.
Gửi mấy túi đồ vừa mua nơi quầy lưu giữ, con lại giục ba đi nhanh lên cầu thang máy, đến nơi có những cuốn sách con tìm kiếm đã lâu. Giữa một không gian đầy ắp chữ – nghĩa, con hớn hở đi về phía dãy kệ trưng bày mảng sách con hằng yêu thích, dù đây không phải lần đầu tiên con vào hiệu sách. Ba biết, lúc này khó mà kéo được con ra khỏi cái thế giới đầy thú vị mà kiến thức nhân loại đưa đến cho con. Nhìn những cuốn sách giáo khoa đầy màu sắc còn thơm mùi mực mới được xếp cẩn thận theo từng cấp lớp, ba lại suy nghĩ miên man. Có lẽ đến giờ này, ở những nơi dòng nước lũ từng lạnh lùng, hung hãn tràn qua, dưới bàn tay chung sức, đồng lòng, đầy trách nhiệm của cả cộng đồng, những sân trường, phòng học đã sạch vết bùn, đồ dùng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh được phơi phóng đã dần khô ráo. Nhưng làm sao có thể nguôi ngoai những giọt nước mắt ấm ức của trẻ thơ hòa trong dòng nước lũ đục ngầu khi mò tìm nhặt nhạnh từng cuốn sách, tập vở bị cuốn trôi, quăng quật, bị chôn vùi trong bùn lầy nhoe nhoét. Những cuốn sách giáo khoa có thể xin hoặc mua lại được, nhưng còn những tập vở có ghi từng nét chữ ngoằn ngoèo, non nớt của những tháng năm tươi đẹp nhất tuổi học trò làm sao các em có thể tìm lại được cho mình?
Bây giờ con còn đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng ba những muốn con mỗi khi mặc vào người bộ quần áo tinh tươm sạch sẽ, mỗi khi xin tiền mẹ mua đồng quà, tấm bánh ăn cho vui miệng, mỗi khi vào cửa hiệu chọn cho mình một cuốn sách ưng ý… đừng bao giờ quên rằng ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn những hình hài bé nhỏ chống chọi lại cái ướt cái lạnh của mưa, của lũ chỉ bằng một tấm áo mong manh; vẫn còn những bàn tay lã đi vì đói run run đưa ra đón nhận từng gói mì cứu trợ để cầm hơi, vẫn còn những giọt nước mắt tức tưởi mặn đắng rơi trên từng trang vở nhòe nhoẹt đất bùn mà trên đó còn hằn dấu tích nét chữ xiêu vẹo đầu đời.
Rồi sẽ đến lúc con lớn khôn theo dòng thời gian không ngừng cuộn chảy. Ba mẹ có thể sắm cho con nhiều thứ trên đời, nhưng có một thứ mà chỉ con mới tự chuẩn bị cho mình để làm hành trang luôn mang theo trong cuộc sống đó là lòng nhân ái, biết cảm thông và chia sẻ những điều không may của người khác.
Tô Nghĩa