Định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020

(NTO) Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu có mục tiêu chính phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2017, đơn vị được giao tiếp nhận 12 nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu đem lại một số tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp trong nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình như nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống ghẹ xanh, củ xanh, hàu cửa sông; khảo nghiệm thành công giống nho ăn tươi, giống bắp lai, giống lúa chịu hạn... đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

 
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao giống bắp lai chịu hạn đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của những người làm chuyên môn, tỉnh ta chỉ mới có thế mạnh trong ứng dụng công nghệ cao đối với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi đặc thù như nho, rau an toàn, tôm, dê, cừu. Đối với các lĩnh vực phòng, trừ dịch bệnh; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến nông, thủy sản; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN còn chậm, cục bộ. Công nghệ trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn lạc hậu, chưa đầu tư toàn diện cho phát triển sản xuất một số mặt hàng chủ lực và chủng loại còn dàn trải. Tổ chức liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo tạo ra sức mạnh tổng hợp cũng như mối liên hệ sản xuất giữa các ngành, các khâu cũng là cản trở kìm hãm phát triển.

Để tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, theo đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, giai đoạn 2017-2020 đơn vị chú trọng tham mưu UBND tỉnh tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp thành nhóm nhiệm vụ tập trung dưới hình thức Chương trình khoa học và công nghệ có định hướng mục tiêu, tiêu chí cụ thể. Các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trong chương trình phải phục vụ chuyển giao, nhân rộng tương ứng. Bên cạnh đó, xem xét lựa chọn các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả từ các địa phương khác trong cả nước để triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm nhân rộng tại tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu loại hình theo hướng giảm các nhiệm vụ nghiên cứu, tăng các nhiệm vụ chuyển giao và nhân rộng kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, nhằm đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng để các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Lựa chọn, xác định, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh. Ưu tiên các nhiệm vụ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng tiết kiệm nước nhằm thích ứng với tình hình hạn hán đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và các nhiệm vụ phục vụ cho việc hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch của tỉnh.