Thu hút các nguồn tài trợ, dự án vay nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục- đào tạo

Tiếp tục thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đánh giá về giáo dục trong Báo cáo của Chính phủ chưa thật sự nổi bật, nhất là việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án về giáo dục của một số bộ, ngành chưa đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nghị quyết. Qua phát biểu ý kiến, các vị đại biểu đã xuất nhiều phương án, giải pháp cho vấn đề này.

 
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, hiện cả nước chỉ có 60%  các trường
đủ điều kiện cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mọi cá nhân, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là kỳ vọng của toàn xã hội và cũng là mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là giáo dục phải hướng tới sự phát triển toàn diện của con người, đảm bảo các giá trị của con người với mục đích tạo ra nguồn lực để phát triển đất nước, gắn với mục tiêu đó là việc đảm bảo đủ các điều kiện để thực hiện.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, ngày 28/11/2014, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động trong đó xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và soạn thảo 18 đề án. Với những nỗ lực trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cùng sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả, bước đầu góp phần cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo.

Cơ sở vật chất hiện đại phù hợp với nội dung của chương trình giáo dục tổng thể là cần thiết và cấp bách

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh- tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua, việc đầu tư cho giáo dục chưa cao và tương xứng giữa các địa phương. Cụ thể là chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo, tiểu học trong kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ được 6.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chỉ chiếm 3,3%. Đặc biệt, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ được phân bổ 717 tỷ, trong đó tỉnh Vĩnh Long thấp nhất cả nước với chỉ 7 tỷ. Điều này chưa đáp ứng, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày, nhưng hiện nay cả nước chỉ có 60% các trường đủ điều kiện.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, để thực hiện thành công quá trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì cơ sở vật chất hiện đại phù hợp với nội dung của chương trình giáo dục tổng thể là cần thiết và cấp bách. Nhưng việc tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường hỗ trợ của doanh nghiệp địa phương cho hoạt động giáo dục thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện được. Để kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp các nhà hảo tâm thì phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của người đứng đầu cơ sở giáo dục đó, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Nếu kêu gọi sự ủng hộ phụ huynh thì xã hội sẽ lên án là lạm thu.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc đề nghị thu hút các nguồn tài trợ,
dự án vay nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục- đào tạo

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và triển khai hiệu quả dự án ODA về phát triển giáo dục và đào tạo

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc cho rằng, biện pháp để tăng cường cơ sở vật chất ngoài ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì việc thực hiện xã hội hóa là cần thiết. Để đạt hiệu quả các cơ sở giáo dục nên được tự chủ về tài chính, con người thì cần có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Các nguồn xã hội hóa được phép huy động sử dụng khi được đồng thuận kể cả của cha mẹ học sinh. Các cơ sở giáo dục phải công khai minh bạch về đội ngũ chất lượng cơ sở vật chất tài chính, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để các cơ sở giáo dục có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ chỉ đạo ưu tiên chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều tổ chức giáo dục trong khu vực và trên thế giới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên. Chỉ đạo triển khai hiệu quả dự án ODA về phát triển giáo dục và đào tạo. Thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục- đào tạo.

Nhất trí với phương án này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đạo tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới và phát triển toàn diện học sinh, nhất là đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, tiến tới miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi theo mục tiêu phổ cập đã được đề ra.

Tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ rất quan tâm phân bổ nguồn vốn 6.000 tỷ cho các khu vực khó khăn để nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế hiện nay thì con số này còn rất khó khăn. Do đó, Bộ đã đề xuất cùng với các địa phương rà soát theo tinh thần cố gắng sử dụng một cách hiệu quả nhất và có lộ trình. Mặt khác, Bộ cũng đã thực hiện xây dựng các quy định về tự chủ và đã trình Chính phủ; đã chỉnh sửa Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Nguồn quochoi.vn