(NTO) Đào tạo lao động là một trong 10 nội dung quan trọng để đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Cụ thể là chỉ số nội dung thành phần này đo lường các nỗ lực của tỉnh trong thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Nhìn lại kết quả đánh giá của năm 2016, cho thấy đối với tỉnh ta chỉ số này chỉ đạt 5,61 điểm, giảm 0,06 điểm và sụt giảm thứ hạng 9 bậc so với năm 2015, xếp thứ hạng 44/63 tỉnh thành phố. Vậy nguyên nhân vì sao?.
Học viên thực hành nghề điện- điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên
Qua phân tích cho thấy, trong 11 chỉ tiêu của nội dung thành phần này thì đã có 5 chỉ tiêu tăng điểm như: Số DN đồng ý dịch vụ “Dạy nghề” do cơ quan nhà nước tại địa phương cung cấp tốt tăng 1,05%; DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, tăng 30 điểm phần trăm; tỉ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo ngắn hạn và dài hạn trên tổng lực lượng lao động tăng 0,98%; số lao động của DN đã hoàn thành khóa đào tạo tại các trường dạy nghề tăng 18,03%... Tuy nhiên, vẫn còn có đến 6 chỉ tiêu giảm điểm, cụ thể như: DN đã từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm giảm 10,19 điểm phần trăm; DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm giảm 15%; mức độ hài lòng của DN với lao động giảm 7,68%. Riêng 2 chỉ tiêu giảm rất sâu, đó là Tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động: giảm đến 492,75 điểm phần trăm và Tổng chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động giảm 343,12 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Cân phân mà nói, thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm 2016, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức giải quyết việc làm và tổ chức đào tạo nghề đạt 104,53% so kế hoạch giao; tăng cường tổ chức đối thoại trong DN, gặp gỡ trực tiếp để tiếp nhận kiến nghị của DN; đã tổ chức sàn giao dịch lao động định kỳ. Tuy nhiên, số lượng DN tham gia sàn lao động chưa nhiều nên kết quả chưa đạt như mong đợi. Theo phản ánh nhiều DN trên địa bàn tỉnh là nguồn lao động khá khan hiếm, nguyên nhân chủ yếu là do đào tạo lao động chưa đáp ứng nhu cầu công việc; lao động thiếu tay nghề, thiếu ý thức trong công việc; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu DN, thiếu nguồn lao động có trình độ... Do vậy, theo kiến nghị của DN là cần đào tạo lao động có tay nghề đa dạng, chuyên sâu để đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.
Để cải thiện điểm số thành phần đào tạo nghề cho lao động, tạo sự hài lòng của các DN trong việc sử dụng lao động, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong năm nay, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường, nâng cao hiệu quả đối thoại với DN để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho DN; đổi mới công tác đối thoại với DN theo hướng thân thiện, hiệu quả, đi vào thực chất hơn, theo đó UBND tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN định kỳ hàng tháng theo từng chủ đề; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là các lĩnh vực DN gặp nhiều khó khăn như tiếp cận đất đai, thuế, tín dụng..., thiết lập các kênh đối thoại, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của DN, nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai việc tổ chức hội nghị định kỳ đối thoại với DN, gắn với thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh...
HH