Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ qua hơn 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công 2009 đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN); tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế-xã hội; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt thông qua hình thức Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại; cơ cấu nợ có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, giảm tỉ trọng vay nước ngoài; chủ động bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết; công tác quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý nợ công 2009 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, theo đó, về mặt pháp luật đã bộc lộ một số bất cập như còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công. Chẳng hạn cần thống nhất việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), những khoản nợ này có tính vào nợ công hay không...
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công như đã nêu trên, tập trung vào việc làm rõ phạm vi, công cụ, quy định về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; phân định rõ ràng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công với quản lý nợ công; tăng cường giám sát, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn nợ công; hoàn thiện công tác thống kê, kế toán, kiểm tra, thanh tra; tăng cường trách nhiệm giải trình gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công.
Mục tiêu xây dựng luật là nhằm khắc phục tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quản lý nợ công hiện nay và bảo đảm tính khả thi, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Hoàn thiện chính sách bảo đảm đồng bộ giữa chính sách quản lý nợ công với chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công; huy động vốn đầy đủ, kịp thời cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn, bền vững nợ công; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; tạo điều kiện thực hiện quản lý nợ chủ động.
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định sự tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt việc sửa đổi phải góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.
Báo cáo cũng nêu rõ, qua xem xét hồ sơ Dự án Luật, Ủy ban nhận thấy, Ban soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị công phu từ khâu tổng kết, đánh giá thực tiễn, rà soát pháp luật đến nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động, xây dựng Dự thảo luật, tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo luật.
Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo đầy đủ các tài liệu để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, một số nội dung cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh trong đó có nội dung về phạm vi sửa đổi, về tính cụ thể của Dự thảo luật; cần hạn chế các nội dung phải dẫn chiếu nhằm giảm thiểu các văn bản dưới luật, tạo sự ổn định, thuận tiện cho quá trình thực hiện…
Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 67 điều. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu và quan điểm sửa đổi Luật nêu trên, dự thảo Luật có một số nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến phạm vi nợ công; nguyên tắc quản lý nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan; quản lý rủi ro đối với nợ công…
Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội tháo luận dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Dự án Luật Quảng lý ngoại thương gồm 8 chương với 117 điều; phạm vi điều chỉnh là quy định về các biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương hàng hóa; giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương.
Thảo luận tại hội trường, bày cơ bản đồng tình với nội dung dự án luật cũng như báo cáo liên quan đến dự án luật, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; vấn đề về cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu; hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới; biện pháp phòng vệ thương mại; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương…
Nguồn www.chinhphu.vn