Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu chuyển lời nói thành hành động
trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Một thông tin tưởng chừng không đáng chú ý sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra, đó là việc Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Cách đây hơn 1 năm, Bộ này đã xây dựng và trình Nghị định số 87/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm. So với Nghị định 87, dự thảo mới đã loại bỏ quy định về điều kiện đối với hoạt động nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm, chỉ quy định về điều kiện sản xuất.
Quan trọng hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận quy định một doanh nghiệp phải có tất cả các loại máy móc cần thiết như Nghị định 87 đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về khả năng đầu tư tài chính để mua sắm trang thiết bị sản xuất, mặc dù các doanh nghiệp này nhận được sự hỗ trợ liên kết từ các doanh nghiệp khác có năng lực.
Giải quyết vấn đề này, Bộ cho biết sẽ bổ sung quy định về liên kết sản xuất mũ bảo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp liên kết sản xuất mũ bảo hiểm phải có có cam kết mang tính ràng buộc pháp lý, có hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng dưới dạng văn bản phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001. Điều này, theo Bộ, nhằm triển khai biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm theo chuỗi giá trị trong sản xuất.
Dù có thể cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều phản hồi về dự thảo mới, nhưng rõ ràng quy định về liên kết sản xuất này rõ ràng là một bước tiến về tư duy quản lý.
Các quy định về điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề đang gây khó khăn cho doanh nghiệp được nêu đậm nét tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ các giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn.
Một ví dụ cụ thể được các doanh nghiệp nhắc tới chính là các quy định trong Nghị định 87/2016, trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ các thiết bị, nghĩa là các doanh nghiệp phải tự làm tất cả từ A tới Z trong khi thế giới hiện nay đang kiến thiết theo chuỗi, mạng, để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trong khi đó, để sản xuất ra một sản phẩm phức tạp và tối tân vào bậc nhất như máy bay, người ta phải có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia. “Nếu yêu cầu Boeing cũng phải có cái máy thủ công sản xuất ra ốc vít như các quy định ở trên thì Boeing cũng bó tay không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến.
Nhìn rộng hơn, trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng đã nhìn nhận hàng loạt khó khăn, vướng mắc với doanh nghiệp, nhiều chính sách chưa sát với thực tiễn, thuế, phí còn cao, vấn đề chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp. Thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, gây thiệt hại và bức xúc không đáng có. Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn…
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu chuyển lời nói thành hành động, với tinh thần không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội.
“Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ, Thủ tướng không chỉ nêu gương về tinh thần sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp, mà còn cho thấy những nỗ lực hành động thực sự. Một ngày trước Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng.
Đặc biệt, ngay tại Hội nghị, trước những kiến nghị của doanh nghiệp về “thanh tra, kiểm tra chồng chất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xây dựng ngay một Chỉ thị với yêu cầu dứt khoát không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần 1 năm. Chỉ thị số 20 đã được Thủ tướng ký ngay khi Hội nghị đang diễn ra và làm nức lòng doanh nghiệp.
Một năm sau khi được ban hành, Nghị quyết 35 đã góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp và tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn là khâu yếu dù đã có chuyển biến mạnh, vẫn có tình trạng “trên nóng nhưng dưới nhiều nơi còn lạnh”, “trên cởi nhưng dưới nhiều nơi còn trói”. Một số cơ quan, địa phương vẫn vì lợi ích cục bộ trong xây dựng chính sách, chưa vì lợi ích chung của đất nước.
Hội nghị giữa Thủ tướng và doanh nghiệp kết thúc, nhưng để xóa bỏ mọi rào cản, định kiến với doanh nghiệp, tinh thần đối thoại giữa Chính phủ, các cấp chính quyền với doanh nghiệp phải được tiếp tục và quan trọng hơn, các cam kết cần được hiện thực hóa.
Nguồn www.chinhphu.vn