Có mặt tại Bến xe khách tỉnh vào tối 14-5, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều xe khách vào bến làm lệnh chuẩn bị xuất bến, nhưng trên xe chỉ lèo tèo vài hành khách, lượng khách tại bến lên xe cũng rất ít ỏi. Theo Bến xe khách tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp đăng ký khai thác tại đơn vị này với khoảng 70 đầu xe/ngày đi các tuyến; trong đó, có khoảng 50% đầu xe phục vụ tuyến Sài Gòn-Phan Rang. Trung bình, lượng khách đi từ tỉnh ta khoảng 2.000 lượt khách/ngày, nhưng có một thực tế là lượng khách được đón trả tại bến chỉ khoảng 20% so với số lượng thực tế.
Phương tiện đón khách tại Bến xe tỉnh.
Theo sau một chiếc xe khách vừa ra khỏi cổng bến xe, chúng tôi nhận thấy xe khách này sau khi có lệnh xuất bến tiếp tục rẽ vào phố về điểm tập kết đón khách riêng của nhà xe. Tại đây, khách đã tập trung khá đông, được nhân viên lần lượt sắp xếp lên xe chuẩn bị khởi hành. Khảo sát trên các tuyến đường nội thị Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, nhiều văn phòng của các hãng xe là nơi bán vé và đón khách hoạt động khá nhộn nhịp. Nhiều nhà xe tự lập bến cóc tại văn phòng để đón trả khách khá phổ biến như: Nhà xe Hưng Phú Thịnh (đối diện chợ Phan Rang), Như Quỳnh (đường Trần Nhân Tông), Nhà xe Thiện Trí đón, trả khách ngay đường liền kề chợ Mương Cát, Nhà xe Liên Thành (285 Ngô Gia Tự)…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, biểu hiện xe né bến thường thấy đó là doanh nghiệp đầu tư xe mới, đưa vào sử dụng nhưng không chủ động đăng ký tần suất chạy xe với cơ quan chức năng. Một số xe mặc dù có đăng ký số chuyến nhưng gần như không đón trả khách tại bến, mà chỉ đến bến làm lệnh rồi quay trở ra đón trả khách. Giải thích cho việc xe không vào bến đón trả khách, một số nhà xe cho rằng: Do phần lớn hành khách tại địa phương muốn đón trả khách gần nhà cho tiện đường. Mặt khác, xe không vào bến đón khách sẽ giảm được chi phí bến bãi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đối với doanh nghiệp, các điểm bán vé và đỗ xe của các doanh nghiệp là địa điểm không được tổ chức đón trả khách. Ngoài ra, người lái phải hoàn thành giấy xác nhận xuất bến về thời gian, số lượng khách, giá thành nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Xe khách phải vào bến trước 30 phút để đón khách trước khi xuất bến, trường hợp đón khách trước khi vào bến hoặc dọc đường bị phạt tiền với mức 1,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe một tháng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng đón trả khách vẫn diễn ra khá lộn xộn, gây khó khăn cho việc quản lý.
Ông Nguyễn Văn Mộc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: Thực tế tình trạng xe không đón trả khách tại bến vẫn diễn ra từ trước đến nay. Mặc dù, các đơn vị chức năng đã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra xử lý nhiều trường hợp. Có một số trường hợp xe vào bến lấy lệnh xuất bến nhưng vừa ra khỏi cổng đã tắt giám sát hành trình vòng xe đi đón khách tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Khó khăn trong công tác xử lý ở đây là do tâm lý người dân muốn dịch vụ phải thực sự tiện lợi, đón trả tại nhà đỡ phải chuyển đồ đạc lỉnh kỉnh, không phải chờ xe tại bến xe. Trong khi đó phương tiện trung chuyển của các nhà xe đều chưa đáp ứng được. Vì vậy trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp với Công an tỉnh, các địa phương để rà soát xử lý, yêu cầu các nhà xe phải thực hiện nghiêm các quy định về đón trả khách. Từng bước xóa tình trạng bến cóc, xe dù trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nội thị.
Nhằm xóa bỏ tình trạng xe “dù”, bến “cóc” chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường làm nơi đón khách, quản lý tốt hướng di chuyển của xe, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho hành khách, tạo ý thức về văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.
Anh Tuấn