Nhận diện, ngăn ngừa và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - lực cản trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa cá nhân là một biểu hiện tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại sự phát triển, làm tha hóa con người, là một trong những lực cản thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, ổn định xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

 
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh”
làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân
thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh tư liệu (Nguồn:voh.com.vn)

1- Trong tiến trình phát triển xã hội, chủ nghĩa cá nhân (CNCN) đã song hành với các loại hình thể chế, và ở mỗi loại hình chế độ xã hội, CNCN lại có tác động và bị chi phối không giống nhau. Trong thời kỳ hiện nay, CNCN thực sự là biểu hiện tiêu cực, có hại cho xã hội trên nhiều phương diện, do đó phải bằng nhiều cách thức, phương pháp (tổ chức, giáo dục, tuyên truyền, quy định, chế tài...) để hạn chế và tiến tới thủ tiêu nó.

Xem xét CNCN chủ yếu trong hệ thống thể chế công quyền thông qua các hoạt động thường nhật của các quan hệ công vụ (trong hệ thống chính trị). Trong các quan hệ đó, CNCN lại được nhìn chủ yếu từ giác độ đạo đức chính trị ở từng cá nhân trong hệ thống. Tuy nhiên, để nhận dạng CNCN trong sinh hoạt xã hội không đơn giản. Không ai tự nhận mình là người mang tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (biểu hiện cụ thể của CNCN). Người có óc cá nhân chủ nghĩa luôn tìm cách che đậy kín đáo, thường núp bóng, mượn thái độ, tâm lý, ứng xử vì cộng đồng, vì tập thể. Thậm chí, có người bề ngoài cao giọng lên án CNCN nhưng thực tế hành động lại chỉ thu vén cho lợi ích cá nhân, bỏ qua trách nhiệm xã hội, bất chấp việc đó có hại cho tổ chức, tập thể. Có người che đậy hành vi cá nhân chủ nghĩa kín kẽ đến mức chỉ khi họ ra khỏi tổ chức rồi người ta mới nhận ra qua xâu chuỗi những lời nói, việc làm và hệ quả xấu cho tổ chức và xã hội mà họ gây ra. Trong tổ chức, không thể đơn giản thủ tiêu ngay CNCN trong một sớm một chiều bằng các biện pháp công quyền, hành chính. Trong đời sống xã hội, chỉ có thể cảnh báo, giáo dục, tuyên truyền, có tính phòng ngừa; không thể nhân danh tổ chức mà xét đoán ai là người có đầu óc và hành vi CNCN để dẹp bỏ được. Chính vì vậy, đấu tranh với CNCN không đơn giản, đó chính là cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ tổ chức, hệ thống công quyền.

Chủ nghĩa cá nhân gây nguy hại cho cá nhân, tập thể và cả xã hội, làm tha hóa con người, suy yếu tổ chức, là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Cụ thể:

Đối với con người: Một, người có hành vi CNCN sớm muộn cũng trở thành người hư hỏng. Có người phấn đấu trong suốt quá trình nhưng cuối đời công vụ lại bị đào thải do có tư tưởng và hành vi CNCN, làm hại cho tổ chức. Hai, người có hành vi CNCN sẽ làm hại người giỏi, người tốt, người tích cực. Nếu lôi kéo được thì biến họ trở thành người xấu, làm việc xấu; nếu không lôi kéo được thì công kích, gây khó khăn cho họ trong thực hiện công việc, phấn đấu bản thân... Ba, những người có tư tưởng và động cơ CNCN luôn ngụy biện, tung tin gây nhiễu, làm rối sự thật, đảo lộn chân lý...

Đối với công việc: Một, CNCN làm hỏng hình ảnh và tư cách người cán bộ, đảng viên, nhất là những người được Đảng và Nhà nước dày công đào tạo, gửi gắm, bổ nhiệm vào vị trí quan trọng. Hai, CNCN làm hỏng/ thui chột, kìm hãm cả e kíp cộng sự. Nếu người lãnh đạo mắc bệnh CNCN thì làm hỏng cán bộ cấp dưới bởi họ sẽ hướng, thậm chí ép cán bộ trong tập thể phải theo ý mình để ra các nghị quyết mang ý chí chủ quan. Ba, CNCN làm hỏng/ suy yếu tổ chức, tập thể. Nếu CNCN thắng thế thì tập thể phải chịu trách nhiệm cái sai do họ làm ra; đây cũng là quá trình làm hỏng cơ hội thực hiện công vụ đối với cán bộ tốt. Bốn, CNCN gây tổn hại, tạo ra môi trường pháp lý không mạnh, chế độ làm việc thiếu minh bạch, công khai, chân thành.

2- Chủ nghĩa cá nhân xuất hiện ở mọi giai đoạn, mọi cơ chế quản lý xã hội, tồn tại cả trong thời chiến lẫn thời bình. Chủ nghĩa cá nhân thay đổi cách thức tồn tại tùy theo điều kiện quản lý xã hội. Chỉ khi ý chí chính trị cao, thống nhất trong hệ thống; các quy định trong hệ thống pháp lý khoa học, chặt chẽ; các phương pháp quản lý, điều hành minh bạch thì CNCN mới bị thu hẹp, đẩy lùi. Ngược lại thì nó nảy nở, lây lan.

Chủ nghĩa cá nhân có mục tiêu trực tiếp là thu vén lợi ích, nên trong điều kiện của một xã hội chưa có trình độ kinh tế cao thì CNCN càng phát triển. Tuy nhiên, xem xét khung xã hội rộng hơn cho thấy, trong lịch sử đã có nghiên cứu CNCN kinh tế và CNCN chính trị, thì không có nghĩa là khi người ta đủ ăn hay sung túc thì CNCN sẽ không tồn tại. Không gian hành chính, kinh tế và chính trị ở nước ta trong giai đoạn hiện nay rất thuận lợi cho sự nẩy sinh CNCN. Điều đó giải thích tại sao Đảng và Nhà nước có nhiều nghị quyết, thường xuyên tổ chức các đợt quán triệt tư tưởng, các văn bản quy phạm pháp luật có xu hướng pháp quyền ngày càng cao nhưng CNCN vẫn chưa được hạn chế như mong đợi, vẫn gây ra những hậu quả không nhỏ, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Nước ta trải qua thời chiến cũng như thời bình; từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; qua giai đoạn khép kín hệ thống và giai đoạn chuyển đổi sang hội nhập quốc tế, tất cả các giai đoạn đều xuất hiện CNCN và trong mỗi thời kỳ CNCN lại có những biểu hiện khác nhau, với những mức độ khác nhau. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, CNCN càng bộc lộ rõ. Trong những năm qua, quá trình đấu tranh với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng chính là quá trình đấu tranh với CNCN. Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta càng phải coi trọng việc giữ gìn các giá trị đạo đức cách mạng, đề cao chống CNCN trong cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu cơ bản, thường xuyên và cấp bách.

Ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện của CNCN trước hết ở lối sống buông thả, hưởng thụ, vì lợi ích cá nhân vị kỷ, tìm mọi cách, bằng mọi giá thực hiện cho bằng được ý đồ cá nhân, coi tập thể, tổ chức, coi sự thành bại của công việc ở dưới lợi ích cá nhân.

Thứ hai, là tác phong hách dịch, độc đoán trong sinh hoạt và điều hành, nhất là của người đứng đầu. Hách dịch là thái độ coi thường người khác, kể cả bên ngoài và bên trong tổ chức. Độc đoán là chỉ theo ý mình, phủ nhận ý kiến và phủ quyết việc làm của người khác khi trái ý mình (với cương vị là người đứng đầu hoặc lãnh đạo). Hách dịch, độc đoán không đơn giản chỉ thể hiện ở thái độ nóng nảy, quát nạt mà còn ở cả sự khôn khéo, tinh vi hơn, ở những lời mềm dẻo, nhũn nhặn, thậm chí là “sẵn sàng lắng nghe”, nhưng quyết định ngược lại. Tác phong độc đoán bao giờ cũng gây tai hại cho tổ chức nhưng có lợi cho cá nhân.

Thứ ba, bệnh bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết... Bè phái là hiện tượng mang tính tiêu cực xét theo nguồn gốc, động cơ hình thành bởi đó là kết quả của sự cấu kết của một nhóm người trong tổ chức với mục đích chi phối nhận thức và hành vi của tổ chức, đem lại lợi ích cho một nhóm người, bất chấp sự nguy hại đến tập thể, đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cộng đồng... Một cá nhân muốn đi ngược lại xu thế chung thì không thể mà cần tới số đông hơn vừa để lôi kéo, vừa tạo ưu thế về tiếng nói và hành vi trong tổ chức. Quá trình lôi kéo theo kiểu bè phái có thể công khai, tự nguyện như sự quy tụ tự phát của một số người mắc khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ, có ý trục lợi, nhưng cũng có thể lợi dụng sự vô tư của người khác, dựng chuyện tiêu cực, lôi kéo để người khác vô tình hùa theo... Bè phái là một thủ đoạn trong tổ chức, có thể hình thành từ một người có vị thế, chức vụ hoặc từ một người bình thường hoặc từ những nhóm người có cùng một động cơ cá nhân tiêu cực. Bè phái trong các quan hệ này thường thể hiện ở chỗ: thay vì phải làm việc khách quan, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, thì lại vì động cơ lợi ích cá nhân (thường gắn với nạn hối lộ, tham nhũng...). Bè phái tạo ra nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích lợi dụng sơ hở tạo điều kiện cho nhau làm lợi bản thân và nhóm lợi ích, đi ngược lại yêu cầu và lợi ích của tổ chức. Một tổ chức có biểu hiện bè phái, xuất hiện nhóm lợi ích đương nhiên sẽ gây mất đoàn kết. Đó chính là mâu thuẫn giữa nhóm lợi ích với những người không nằm trong nhóm lợi ích.

Thứ tư, là sự cơ hội, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng...Ở đây có hai dạng: Một, những người chỉ đơn giản chạy tuổi để kéo dài thời gian công tác (yếu tố lợi ích không lớn, chỉ là muốn tại vị thêm một thời gian cho dù chức vị đó không đem lại lợi ích kinh tế lớn); hoặc chạy khen thưởng để lấy thành tích, làm oai. Hai, những người chạy tuổi để đủ các điều kiện, tiêu chuẩn cho chức vụ cao hơn, có nhiều quyền lực, bổng lộc hơn hay được đi luân chuyển, tạo cơ hội thăng tiến sau này. Loại này thường cùng lúc có các biểu hiện hối lộ để chạy tuổi, chạy khen thưởng (nhằm làm đẹp hồ sơ, tô hồng thành tích), từ đó làm cơ sở để chạy chức, chạy quyền.

Do tác động của kinh tế thị trường, lối sống vị tiền dần phổ biến trong xã hội đã khiến một bộ phận cán bộ, công chức tìm mọi cách để kiếm tiền, tham ô, tham nhũng để có tiền, rồi dùng đồng tiền chi phối các quan hệ khác. Trong những năm qua, những biểu hiện trên không những không giảm đi mà ngày càng có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ tiếp tay cho các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà còn trực tiếp làm phân hóa, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ năm, là tham nhũng, bệnh “tư duy nhiệm kỳ”. Trong giai đoạn hiện nay có thể gọi tên một số hình thức tham nhũng, như tham nhũng của công, “tham nhũng chức quyền”, “tham nhũng tương lai”.

Tham nhũng của công là lợi dụng chức quyền, tìm cách vun vén của cải vật chất, cắt xén tiền, vật tư, vật liệu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công để thu lợi vật chất một cách bất chính.

“Tham nhũng chức quyền” hay nói cách khác là lợi dụng chức vụ để vượt quyền. Một người ở vị trí này chỉ có quyền trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách nhưng do trong thời gian gần đây sự cấu kết của nhóm lợi ích đã tạo ra sự giao thoa khá mạnh mẽ giữa các ngành, lĩnh vực (thực chất là sự giao kết của những người có chức, có quyền trong các lĩnh vực đó), nhất là trong quá trình thực hiện công tác luân chuyển cán bộ nên một người giữ chức vụ này vẫn có thể gây ảnh hưởng đến lĩnh vực khác. Thực tế, tình trạng này đã xảy ra khá phổ biến, là hệ quả của nhóm lợi ích (nhóm lợi ích theo chiều dọc - trong một cơ quan, đơn vị hoặc nhóm lợi ích theo chiều ngang - những người ngang cấp: những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương...) cùng hợp sức, liên kết hoặc thực hiện dưới dạng “trao đổi” để đem lại lợi ích cho nhau. Đây chính là những biểu hiện mới của “tham nhũng chức quyền”.

“Tham nhũng tương lai” là hiện tượng lãnh đạo đơn vị, ngành này, địa phương kia ngầm có giao kết trao đổi nhận người/ bố trí, đề bạt, thăng chức cho con cái, họ hàng, người thân, “đệ tử” thân tín của nhau để cùng có lợi. Thậm chí có hiện tượng “trả ơn thế hệ”, những người lên được vị trí cao, có quyền lực lớn lại cất nhắc, đề bạt con cháu của những người đã từng nâng đỡ mình. Hệ quả là tạo ra một thế hệ “con quan mới” - những người nắm giữ tương lai đất nước.

Thực tế cho thấy, ở những người có chức vụ, quyền hạn thấp thì chỉ có một hoặc một số biểu hiện của CNCN, hậu quả gây ra cũng vừa phải, mức độ ảnh hưởng không lớn, nhưng càng ở những người có chức vụ cao, quyền hạn lớn thì khi sa vào CNCN lại càng có nhiều hành vi gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí làm lũng đoạn cả một tổ chức, gây cản trở sự phát triển chung của đất nước. Các biểu hiện, hành động của người có tư tưởng CNCN đều liên quan đến nhau, là tiền đề và hệ quả của nhau, tham nhũng để có tiền hối lộ; nhận hối lộ để có tiền hối lộ cấp cao hơn; hối lộ để thăng chức, để có quyền; có chức, có quyền để có thể tham nhũng lớn hơn, để được hối lộ nhiều hơn, có quyền ảnh hưởng lớn hơn, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến cả tương lai. Do các chức vụ cao, quyền lực lớn không gắn mãi với cá nhân nên trong thời gian tại vị (thường trong nhiệm kỳ cuối hoặc những năm cuối nhiệm kỳ) các cá nhân có hành vi CNCN, vụ lợi, thoái hóa, biến chất sẽ bất chấp dư luận, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện bằng được ý đồ, mục tiêu cá nhân.

Vụ việc nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là một minh chứng cho các hiện tượng trên. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng đã có những vi phạm, khuyết điểm: Thứ nhất, thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai ông. Thứ hai, thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh vào các vị trí quan trọng trong Bộ Công Thương. Thứ ba, mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang cho thuyên chuyển và bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Thứ tư, chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.

Đáng quan ngại là tập thể ban cán sự Đảng của cả một bộ cũng thấy sai không đấu tranh, làm ngơ, để cá nhân người đứng đầu lũng đoạn, chi phối, tự quyết định, thậm chí còn hợp thức hóa cho những quyết định sai lầm; không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Trong khi từ nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã liên tục khẳng định và đưa vấn đề xây dựng Đảng lên tiêu đề Báo cáo chính trị tại các đại hội, đó là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” tại Đại hội X; “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” tại Đại hội XI; “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” tại Đại hội XII.

Đánh giá thực trạng công tác xây dựng Đảng, Đại hội X của Đảng năm 2006 nhấn mạnh: “Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp””(1). Từ thực trạng đó, trong những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng đấu tranh chống những biểu hiện của CNCN, coi đó là một phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Vì vậy, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững tư cách, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, được quần chúng tín nhiệm. Song bên cạnh đó, vẫn còn “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước”(2). Đây là “một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”(3). Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”, đó là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng... Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân(4).

Thực tế cho thấy, những lúc đất nước có sự chuyển đổi, hoặc khó khăn, hoặc phát triển đi lên thì cũng là lúc CNCN và tư tưởng cơ hội, thực dụng bộc lộ rõ nhất. Chủ nghĩa cá nhân có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, bên trong mỗi con người và chỉ chờ thời cơ để bộc lộ. Nhận thức rõ về CNCN, những nguy cơ, tác hại của CNCN chính là một trong những giải pháp để ngăn chặn CNCN. Hạn chế, ngăn chặn sự lây lan và hậu quả mà CNCN gây ra sẽ giúp giảm thiểu những lực cản đối với tiến trình phát triển của đất nước.

----------------------------------------

(1), (2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 263, 264

(4) Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 14-10-2016

Nguồn www.tapchicongsan.org.vn