(NTO) Mấy ngày qua, có thể nói dư luận khá xôn xao trước thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, đó là đoạn video ghi lại hình ảnh một bé gái không mặc quần áo, trên người được cho là có nhiều vết lằn roi rướm máu, đứng ngoài cửa khóc thét gọi tên bố mẹ khiến nhiều người bức xúc. Thậm chí thông tin còn đưa là chứng kiến sự việc nhiều người đã dừng xe lại hỏi thăm bé gái và tìm cách vận động gia đình cho cháu vào nhà nhưng không thành!... Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 11-5 tại một ngôi nhà trên đường 21 Tháng 8 (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Nguyên nhân cháu bé bị đánh là do nhầm lịch thi. Rõ ràng, chỉ với hành vi đánh trẻ em đã là đáng lên án, đàng này còn “lột” đồ, đánh, đuổi con ra khỏi nhà càng đáng phê phán gấp bội phần đối với bậc làm cha làm mẹ cháu bé!...Tuy nhiên, sự thật lại khác.
Theo Trưởng công an Tp. Phan Rang-Tháp Chàm- Trung tá Nguyễn Xuân Phong cho biết, đã xác định bé gái trong đoạn video được đưa lên mạng có tên L.T. (9 tuổi, học lớp 3), con ông LHP (39 tuổi) là bộ đội còn mẹ là bà PTH (36 tuổi) hiện là giáo viên một Trường tiểu học ở Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Theo ông Phong, do bé T. nói dối với bố mẹ về lịch thi học kỳ nên ông bố tức giận cầm roi để dạy con nhưng bé T. sợ bỏ chạy (không mặc áo quần do đang tắm) và ra đứng trước cổng nhà. Ông Phong cho biết: Không phải bố mẹ bé T. cố tình lột quần áo, đánh con và đuổi ra khỏi nhà như bình luận trên mạng xã hội...Theo gia đình cháu T., trước thông tin thất thiệt nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự gia đình, xáo trộn cuộc sống, gây dư luận xấu trong xã hội.
Thực ra đây không phải là lần đầu xuất hiện những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Trước đó, vào đầu tháng 4-2017 trên địa bàn huyện Ninh Hải lại có thông tin thất thiệt đồn đãi rằng có một nhóm phụ nữ chuyên bắt cóc trẻ em, gây hoang mang cho không ít người dân trong và ngoài địa phương. Nguyên do, theo Công an huyện Ninh Hải, vào chiều 7-4, tại khu vui chơi thiếu nhi ở thị trấn Khánh Hải, một phụ nữ lạ mặt xuất hiện, có cử chỉ vuốt ve các cháu nhỏ thì bị người dân truy hô vây bắt. Khi bị vây bắt, người này đã dùng dao lam chống trả, gây thương tích cho một nhân viên bảo vệ khu phố. Qua điều tra, người phụ nữ này có dấu hiệu bệnh tâm thần, không giấy tờ tùy thân, chỉ mang theo túi xách đựng một bộ áo quần cũ và vài vỏ sò mà thôi!.
Có thể nói, mạng xã hội ngày càng phát triển rộng khắp, trở thành một kênh truyền thông hiệu quả. Càng lúc, mạng xã hội càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc truy cập và đọc thông tin trên mạng rất dễ dàng và thuận lợi cũng là cơ hội cho tin đồn thất thiệt, thông tin thiếu kiểm chứng nghiêm túc, thậm chí còn cố tình làm sai lệch thông tin với nhiều mục đích, làm cho mọi thứ trở thành “thật giả lẫn lộn”… Khi tiếp nhận thông tin, một số trường hợp cả tin, không thẩm định… nên vô tình tạo điều kiện để những nội dung này được khuếch tán ngày càng rộng rãi, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, tác động trực tiếp đến tâm lý người dân... Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người dùng hãy thận trọng trước những thông tin được lan truyền trên trang mạng xã hội. Đành rằng trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin tốt, hữu ích, tuy nhiên thông tin thất thiệt, gây nhiễu dư luận, lợi dụng hiệu ứng đám đông, thậm chí làm sai lệch vấn đề cũng không phải ít. Do đó, khi tiếp cận thông tin, hãy tỉnh táo, thận trọng trước khi ủng hộ hay phản bác. Mặt khác, cũng nên tìm đọc thông tin từ những cơ quan chính thống để tránh bị nhiễu thông tin.
Để hạn chế các thông tin bịa đặt, sai sự thật, giật gân…ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi cán bộ, đảng viên, cư dân mạng hãy thận trọng trước những thông tin trên mạng xã hội. Trước khi chia sẻ hay bình luận một vấn đề gì hãy cân nhắc kỹ lưỡng để không vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu.
TD