Mặc dù không có nhiều khu công nghiệp lớn như các tỉnh khác, nhưng trên địa bàn tỉnh ta vẫn có một lượng lao động ngoại tỉnh không nhỏ đến làm việc. Để mưu sinh, họ làm đủ ngành nghề, từ công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, cho đến phụ hồ, tiếp thị... Do không có nhà, những lao động này phải thuê phòng ở trọ. Công việc vốn đã vất vả, khi phải sống và làm việc xa nhà cùng biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, với họ bài toán “cơm áo gạo tiền” luôn là nỗi niềm trăn trở.
Số lao động tỉnh ngoài đến làm việc và thuê phòng ở trọ tập trung chủ yếu trên địa bàn Tp.Phan Rang - Tháp Chàm. Các nhà trọ nằm rải rác ở các con hẻm nhỏ dọc theo đường 16 Tháng 4, xung quanh Công ty TNHH May Tiến Thuận, và một số trục đường lớn như Ngô Gia Tự, 21 Tháng 8, ngã 5 Phủ Hà... Giá cả phòng trọ cũng rất đa dạng, rẻ nhất từ 200.000 đồng/tháng, phòng tốt hơn cũng lên đến 450.000- 500.000 đồng/tháng. Để tìm hiểu đời sống của số lao động này, chúng tôi ghé vào khu nhà trọ ở một con hẻm trên đường 21 Tháng 8.
Khu nhà gồm có 9 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 15m2, được lát gạch bông và có công trình phụ bên trong. Thoạt nhìn trông cũng có vẻ thoáng mát, sạch sẽ, nhưng khi vào tận bên trong, mới thấy hết sức chật chội vì phải chứa biết bao là thứ, nào là xe máy, nồi niêu xoong chảo... Tuy nhiên, theo lời của những người ở trọ trong khu nhà thì những căn phòng như thế này được xếp vào loại “sang”, giá phòng cũng không hề rẻ chút nào, mỗi phòng có giá 450.000 đồng/tháng, đó là chưa kể tiền điện, nước. Chúng tôi gõ cửa vào thăm căn phòng của mẹ con anh Huy, một công nhân đang thuê trọ ở đây.
Trời mùa đông hơn 5 giờ chiều lờ mờ tối nhưng bà Trúc, mẹ anh Huy vẫn chưa bật đèn vì sợ tốn điện. Anh Huy là công nhân Công ty CP Xây dựng Invaco tại Khánh Hòa đang theo công trình vào Ninh Thuận làm việc từ tháng 9-2010. Thương con đi làm xa vất vả, bà Trúc theo vào lo cơm nước, giặt giũ. Anh Huy tâm sự: “Ở đây, chủ nhà trọ tính giá điện đến 2.000 đồng/kWh, còn nước thì tính 7.000 đồng/khối. Do tuổi mẹ cũng đã lớn nên tôi mới chọn phòng giá cao như thế này.
Công trình tôi đang làm ở tận huyện Bác Ái, công việc cũng thất thường lắm. Mấy tháng nay, tôi chưa hề nhận được đồng lương nào, nên phải vay mượn bạn bè để xoay xở chi tiêu sinh hoạt hàng ngày”. Nhìn bữa ăn của hai mẹ con anh Huy đạm bạc chỉ có tô canh cải và mấy con cá kho, chúng tôi không khỏi ái ngại. Chất lượng bữa ăn như thế khó lòng tái tạo sức lao động của một công nhân xây dựng. Hiểu ý, bà Trúc thở dài: “Mấy bữa nay giá cả thực phẩm cứ tăng vùn vụt. Cầm mấy chục ngàn trên tay cứ đi lui đi tới giữa chợ mà không biết chọn mua món gì để đủ ăn cả ngày. Mấy ngày nay, em Huy vừa phải đi làm, vừa phải chạy đi tìm việc chứ cứ kéo dài tình trạng thế này không biết xoay xở thế nào!”.
Còn với vợ chồng anh Hùng, chị Liễu, ở phòng bên cạnh cũng không khá hơn là mấy. Anh Hùng là kiến trúc sư xây dựng, quê ở tận Quảng Ngãi, vào Ninh Thuận làm ăn rồi lấy vợ chưa đầy một năm nay. Từ khi lấy nhau đến nay, vợ chồng anh đã phải chuyển chổ ở đến 6 lần. Chị Liễu tâm sự: “Không có gì khổ bằng phải ở thuê chị ạ. Phòng nhỏ ít tiền thì chật chội, phòng rộng một chút giá lại cao. Vừa rồi, chủ nhà thông báo tăng tiền điện lên 3.000 đồng/kg. Một tháng thu nhập của cả hai vợ chồng chưa tới 4 triệu đồng mà tiền nhà mất ngót gần 700.000 đồng rồi thì lấy đâu ra tiền để lo hàng trăm chi phí sinh hoạt khác. Cuộc sống vất vả thế này, nên tụi em chưa dám sinh con. Ngại nhất là tình hình an ninh trật tự, chỉ chưa đầy một tháng mà vợ chồng em bị mất 2 chiếc điện thoại đi động”.
Chúng tôi đến thăm khu nhà trọ nằm cách Công ty TNHH May Tiến Thuận khoảng hơn 100m. Chị Trâm, một công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận ở đây cho biết: “Ở công ty không có nhiều công nhân từ tỉnh ngoài đến làm nhưng số công nhân từ các huyện trong tỉnh lên đây làm việc ở trọ khá đông”. Căn phòng của chị Trâm rộng chưa đầy 10m2, trong phòng chẳng có gì ngoài một chiếc chiếu để nằm và một số đồ dùng để nấu ăn. Cả khu nhà với khoảng gần 20 người ở dùng chung một phòng vệ sinh hết sức bất tiện. Chị Trâm tâm sự: “Gia đình của em ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Em vào đây làm việc cũng được mấy năm nay. Thu nhập mỗi tháng trung bình hơn 1,5 triệu đồng. Tiền nhà đã mất 250.000 đồng/tháng, cộng tiền ăn, tiền sinh hoạt tổng chi cũng hết gần triệu bạc. Với giá cả thị trường như hiện nay thì phải tiết kiệm cũng chỉ đủ sống thôi chị ạ”.
Hầu hết đời sống của những lao động tại những khu nhà trọ khác cũng chẳng khá hơn. Điều đáng nói là số lượng nhà cho thuê hiện nay vẫn không đáp ứng nhu cầu. Hầu hết khu nhà trọ đều kín phòng, thậm chí có phòng chỉ rộng chưa đầy 15m2 mà có đến 4- 5 người thuê ở. Thu nhập thấp, nơi ăn- chốn ở không đảm bảo nên đời sống vật chất, tinh thần của những công nhân sống xa nhà ở trọ gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, tỉnh ta đã và đang có nhiều dự án lớn triển khai thực hiện và như vậy sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng lao động rất lớn, trong đó có sự di chuyển lao động giữa các vùng trong tỉnh và tỉnh ngoài đến. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp để họ có điều kiện sống tốt hơn để làm việc và nâng cao đời sống.
Uyên Thu