Trong 4 nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5, có tới 3 nội dung liên quan đến kinh tế và Hội nghị đã ban hành ba Nghị quyết về các nội dung này. Điều đó cho thấy Đảng ta đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ chiến lược giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.
Hội nghị Trung ương 5 ban hành ba Nghị quyết: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa";
"Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước";
"Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Ảnh: VGP
Kinh tế thị trường định hướng XHCN với những nội hàm gắn với thời cuộc
Ở tầm vĩ mô, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, định nghĩa về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở nước ta được Trung ương thống nhất “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".”
Đáng chú ý, trong định nghĩa này, Trung ương đã làm rõ thêm nội hàm về “tính hiện đại và hội nhập quốc tế”, thể hiện ở chỗ: Kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, các thiết chế, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực phổ biến của thế giới đương đại.
Nền kinh tế ấy vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn bảo đảm những yếu tố nhân văn của thể chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ở khía cạnh “lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.
Trung ương xác định “xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững” và phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện suốt nhiệm kỳ khoá XII như Tổng Bí thư đã nêu trong phát biểu bế mạc, có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ban hành chính sách tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp; về tận dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước... Đây cũng chính là những trọng tâm mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang nỗ lực triển khai trong suốt thời gian qua kể từ khi được Quốc hội khóa XIV bầu ra.
Một điểm đáng chú ý nữa là với tinh thần thẳng thắn nhìn vào thực tế khách quan, Hội nghị Trung ương lần này đã đề cập đến nhiều vấn đề còn những vướng mắc, bức xúc trong thời gian qua để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục như: Kiểm soát nợ công; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; đổi mới công tác phân bổ các nguồn lực của Nhà nước thực sự theo tín hiệu và cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng "xin-cho", chủ quan, duy ý chí...
Hội nghị Trung ương 5 xác định, đến năm 2018,
thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần,
vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp đột phá để tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới DNNN
Liên quan đến nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong thời gian tới, Trung ương nhất trí cao thông qua một loạt chủ trương, chính sách, biện pháp mới, có tính đột phá. Cụ thể, Trung ương khẳng định: Sẽ chuyển đổi hầu hết các DNNN thành doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thực hiện thoái vốn một cách công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn nhà nước hoặc không cần tham gia đầu tư. Xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.
Trung ương cũng nhìn nhận sự cần thiết phải cơ cấu lại, đổi mới các DNNN theo các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ chính trị, xã hội Nhà nước giao sẽ được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh, công khai; bảo đảm không làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, sẽ tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp nói chung với chức năng chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như với chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nói riêng. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trung ương nhấn mạnh sự kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa, khắc phục tình trạng móc ngoặc để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Một trong những giải pháp là quy định rõ người đứng đầu DNNN chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí việc làm khác trong doanh nghiệp Nhà nước...
Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận
"là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Một nội dung kinh tế quan trọng được Hội nghị Trung ương 5 tập trung xem xét là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trung ương khẳng định, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cả nước, thời gian qua, đã tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", góp phần quan trọng làm cho kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu:
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội... Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.
Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Nhà nước sẽ tiếp tục cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; thường xuyên chăm lo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực…
Nguồn www.chinhphu.vn