Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình thí điểm tổ đội quản lý, bảo vệ rừng và HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp-chăn nuôi Tân Hà tại huyện Thuận Nam

(NTO) Chiều ngày 10-5, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình thí điểm tổ đội quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng tại xã Phước Hà và HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp-chăn nuôi Tân Hà xã Nhị Hà (Thuận Nam).

  
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình thí điểm tổ đội quản lý, bảo vệ,
khoanh nuôi phát triển rừng tại xã Phước Hà (Thuận Nam). 
 
 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm HTX Dịch vụ tổng hợp
nông nghiệp-chăn nuôi Tân Hà, xã Nhị Hà (Thuận Nam). 

Thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng thôn nhận bảo vệ, từ năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai thí điểm mô hình tổ đội quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng nhằm tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giao đơn vị chủ rừng trích một phần tiền từ tiền chi trả giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân để hỗ trợ mua bò phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Đến nay, đã hỗ trợ được 35 con bò giống sinh sản cho 35 hộ dân trong tổ đội quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc. 

Phát biểu tại buổi tham quan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao hiệu quả bước đầu của mô hình thí điểm tổ đội quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng đã được triển khai trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị chủ rừng cần tiếp tục hỗ trợ bà con mua bò phát triển chăn nuôi để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, tạo sinh kế bền vững để các tổ đội bảo về rừng tốt hơn; hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Đối với HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp-chăn nuôi Tân Hà, đồng chí mong muốn HTX cần liên kết với các hộ dân để hỗ trợ kỹ thuật, cũng như cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân địa phương. Đặc biệt, cần xây dựng chuỗi giá trị trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vừng...