(NTO) Ngày 5-5-2017, Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20-3-2017 có hiệu lực thi hành. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định đó là nhiều hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội như phát tờ rơi, treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng...đều bị xử phạt “thích đáng”. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo theo hình thức này cũng bị xử lý. Cụ thể, tại Điều 51 của Nghị định 158 cũ quy định xử phạt hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1-2 triệu đồng thì Nghị định 28/2017/NĐ-CP xác định rõ hơn các chủ thể phải bị xử lý. Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi như đã nêu, cá nhân, đơn vị, cơ sở có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Điểm mới nữa được quy định tại Điều 61, quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng về hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó...
Đoàn viên- thanh niên Tp. Phan Rang- Tháp Chàm tham gia gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt trái phép.
Ảnh: Trần Phương
Có thể nói, với các mức xử phạt nói trên là đủ sức để “răn đe” các hành vi cố tình vi phạm từ người thuê đến người được thuê thực hiện. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra băn khoăn là quy định tuy rất cụ thể nhưng liệu “khâu” thực hiện có nghiêm, đúng người, đúng việc?. Cân phân mà nói, thời gian qua để thực hiện “Xanh, Sạch, Đẹp, Đô thị văn minh” riêng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã dựng một số cụm quảng cáo công cộng phục vụ cho những ai có nhu cầu, thế nhưng không mấy khả dụng. Tình trạng quảng cáo dán cột tràn lan với đủ loại nội dung, từ khai trương quán nhậu, cà phê đến bán nhà, đất, tuyển dụng…Gần đây, “loại hình” quảng cáo dán cột này phổ biến nhất là…cho vay không cần thế chấp với hàng loạt số điện thoại được giới thiệu, thậm chí có nơi treo cả băng rôn hẳn hoi!. Thử tìm hiểu, đoạn đường 21 Tháng 8 từ Tháp Chàm xuống Phan Rang dài trên 6 cây số nhưng hầu như không có trụ, cột điện lực, viễn thông, đèn đường nào là “trống” quảng cáo cả, tờ quảng cáo này chồng lấn lên tờ kia với…mật độ dày, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Đó là chưa nói đến các trụ đèn điều khiển giao thông ngày càng trở nên "quá tải" bởi loại hình quảng cáo nói trên…Trước tiên phải kể đến nguyên nhân do một số doanh nghiệp, cá nhân… vì lợi ích riêng đã bất chấp các quy định để phát tờ rơi, treo, dán quảng cáo khắp nơi, hậu quả là mỹ quan môi trường đô thị bị xâm hại và ảnh hưởng nếp sống văn minh. Một nguyên nhân khác là lực lượng kiểm tra chuyên ngành văn hóa còn ít so với yêu cầu công việc, dẫn đến không kiểm soát hết các điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng vi phạm quảng cáo, phát tờ rơi tràn lan. Các địa phương chưa có đủ lực lượng trực để phát hiện và xử lý kịp thời đối với những vi phạm liên quan. Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo một số phường nội thành Phan Rang-Tháp Chàm than phiền: Những người được thuê mướn đi dán quảng cáo thường lợi dụng ban đêm vắng vẻ lén lút mang tờ rơi đi treo dán khắp nơi. Trên các tờ quảng cáo này đa phần chỉ ghi số điện thoại cho “khách hàng” liên lạc chứ không ghi địa chỉ cụ thể…nên khó “bắt tận tay, day tận trán” để xử lý. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” trong việc đưa Nghị định nói trên của Chính phủ vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả!.
Thiết nghĩ, để dẹp loại hình quảng cáo “rác” này, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động “tai mắt” người dân tham gia phát hiện để báo cơ quan chức năng xử lý…
HH