Vỉa hè nhếch nhác
Dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, nhất là tại các tuyến phố trung tâm như: Ngô Gia Tự, 21 Tháng 8, Thống Nhất, Trần Phú, Hồ Xuân Hương…, hầu hết vỉa hè đã bị lấn chiếm trở thành nơi buôn bán, làm bãi đỗ xe, dựng biển quảng cáo…; nhiều hàng quán còn căng dựng lều bạt, xả rác, đổ nước thải ra vỉa hè, lòng đường… không chỉ cản trở giao thông, mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Tại các công viên, điểm công cộng, khu vui chơi giải trí... tình trạng nhiều người dân lấy mặt bằng chung làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra hết sức phổ biến. Chị N.T.T, người dân sống gần công viên Chung cư C5 cho biết: Trước đây, không gian công viên rất thoáng đãng, sạch sẽ, buổi tối, gia đình tôi cũng như nhiều người dân sống xung quanh khu vực thường xuyên ra hóng gió, tập thể dục… Nhưng gần đây có xuất hiện một quán ốc, chủ quán bố trí bàn ghế ngay trên mặt bằng công viên; xe của khách được dựng ngay dưới lòng đường; vỏ các loại nghêu, sò, ốc… được đổ ra cạnh công viên, bốc mùi hôi thối khiến nhiều người dân ở đây rất bức xúc.
Tình hình mất trật tự đô thị tại ngã năm Tấn Tài diễn ra thường xuyên nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Để chấn chỉnh trật tự đô thị, thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thường xuyên tuần tra, ra quân thu giữ, xử phạt các phương tiện giao thông đậu đỗ sai quy định, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường… Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhiều hộ kinh doanh, buôn bán bảo đảm việc làm, đời sống, mà vẫn giữ được mỹ quan đô thị, thành phố còn ban hành quyết định cho phép nhiều tuyến đường, địa điểm được sử dụng vỉa hè làm nơi để xe, buôn bán, kinh doanh tạm thời, nhưng chỉ được hoạt động trong phạm vi cho phép, dành một phần đường cho người đi bộ; đồng thời phải đăng ký cam kết thực hiện quy định về an ninh trật tự đô thị như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không kinh doanh đồ uống có cồn trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường làm mất an ninh trật tự… Lợi dụng sự “nới lỏng” của chính quyền địa phương, dù đã ký cam kết, nhưng vì “lợi ích cá nhân”, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Đồng chí Hoàng Minh Khánh, Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn chia sẻ: Các trường hợp vi phạm tìm đủ mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp bị thu giữ dụng cụ, xử phạt, cam kết không vi phạm nhưng chỉ thực hiện được một vài bữa sau đó lại tiếp tục vi phạm. Cá biệt nhiều trường hợp cố tình chống đối lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ khi bị thu giữ đồ dùng dụng cụ buôn bán, xử phạt…
Cần có quyết tâm cao
Với quyết tâm thông thoáng vỉa hè, bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch ra quân lập lại trật tự đô thị trên địa bàn toàn thành phố. Theo kế hoạch, công tác lập lại trật tự sẽ được thực hiện từng bước. Trước tiên, các xã, phường tiến hành khảo sát nắm lại tình hình buôn bán, kinh doanh, sử dụng vỉa hè trên các tuyến phố, khu vực công cộng phức tạp; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thông báo cho người dân, nhất là các hộ kinh doanh, các trường hợp vi phạm về chủ trương, kế hoạch ra quân của thành phố để các cơ sở chuẩn bị, tự nguyện khắc phục sai phạm. Dự kiến vào tháng 5, thành phố sẽ đồng loạt ra quân, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Trước tiên, tập trung vào các tuyến phố chính, những khu vực trọng điểm: Tuyến đường Thống Nhất, 16 Tháng 4, Ngô Gia Tự, bãi biển Bình Sơn, xung quanh khu vực chợ Phan Rang…, sau đó nhân rộng trên các tuyến đường. Sau các đợt ra quân, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, các địa phương cũng đang ráo riết, tập trung tuyên truyền, vận động, rà soát, nắm vững tình hình, chuẩn bị các điều kiện nhân lực, vật lực… cho đợt ra quân sắp đến.
Thiết nghĩ, để việc lập lại trật tự đô thị đạt kết quả tốt, cần phải có sự quyết tâm, thống nhất cao, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Để làm được điều này, các cấp, các cơ quan chức năng, đoàn thể cần tập trung tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nhanh chóng quy hoạch khu vực kinh doanh cho những người bán hàng rong; đẩy mạnh công tác chuyển đổi nghề, giúp những đối tượng này bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống. Ngoài ra, trên các tuyến đường cần vẽ vạch, quy định rõ ràng phạm vi, những đoạn đường, tuyến đường nào được phép đậu, đỗ xe; quy hoạch bãi đỗ xe hợp lý… để trả lại công năng cho vỉa hè, bảo đảm trật tự, mỹ quan, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Nguyên Vũ