Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh ta là khu vực có nguồn bức xạ dồi dào, khoảng 1.800 kWh/m2/năm. Mặt khác, sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao, trung bình các tháng có thời gian chiếu sáng hơn 12 giờ mỗi ngày. Tổng số giờ nắng trung bình là 2837,8 giờ/năm, cao nhất trong cả nước. Cũng theo khảo sát, tổng diện tích khu vực có tiềm năng điện mặt trời kỹ thuật là trên 79.640 ha, chiếm 23,7% tổng diện tích toàn tỉnh, đáng nói là phần lớn diện tích không đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp. Diện tích này phân bố chủ yếu tại huyện Ninh Phước, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và một số khu vực thuộc các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải và Bác Ái. Cũng theo quy hoạch, vùng phát triển điện mặt trời có quy mô công nghiệp của tỉnh ước đạt khoảng 5.960 MW, tương ứng với diện tích chiếm đất là 11.920 ha, bằng 3,6% tổng diện tích toàn tỉnh.
Theo các chuyên gia, với tiềm năng to lớn về “nắng như rang, gió như phan” thì đây sẽ là cơ hội “vàng” cho Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, một trong số đó là điện mặt trời. Có thể nói đây cũng là “khát vọng” của tỉnh và để chuyển từ “khát vọng” thành hiện thực, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là phát tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Bằng những chính sách kêu gọi đầu tư thông thoáng của tỉnh, đến nay đã có gần 40 nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu tìm kiếm các vị trí đầu tư với tổng quy mô công suất khoảng 8.607 MW/ tổng điện tích đất khảo sát trên 13.896 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 276.904 tỷ đồng và hiện có trên 14 nhà đầu tư có thư quan tâm. Đơn cử như, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai đề nghị được đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời TTC-Phước Minh (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam), với công suất 130 MW; Tổng Công ty phát điện 3 cũng đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, với 3 vị trí có tổng công suất trên 416 MW (vị trí 1 thuộc thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam với công suất dự kiến lắp đặt 135 MW; vị trí 2 khu Cà Ron thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, công suất dự kiến 150MW và vị trí 3 thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, công suất dự kiến 131 MW). Trước đó, tập đoàn Thiên Tân cũng đề xuất được đầu tư Dự án điện mặt trời Ninh Thuận có quy mô công suất lên đến 1.000MW, vốn đầu tư ban đầu dự kiến trên 2 tỷ USD… Đặc biệt mới đây UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Sinenergy Holdings (thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore) về việc nghiên cứu, triển khai dự án điện mặt trời với quy mô đầu tư 300MW kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 7.920 tỷ đồng… Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã có 7 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, đầu tư thí điểm với tổng công suất khoảng 821 MW; tổng diện tích mặt đất khảo sát khoảng 1.691 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 26.506 tỷ đồng... Điều phấn khởi hơn nữa là mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, một trong những nội dung quan trọng của Quyết định là quy định giá bán điện 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, đương đương 9,35 Uscents/kWh). Tuy chưa phản ánh chính xác kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng đây được xem cú huých quan trọng để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào điện mặt trời tại tỉnh ta.
Cơ hội đã mở, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực phát triển vấn đề còn lại là sự “tương tác” giữa quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh đối với các nhà đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư cần có quyết tâm thực thụ trong việc thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
TD