Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 10

(NTO) Ngày 4-4, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 10. Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành; Thường trực HĐND các huyện, thành phố.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt nội dung phiên họp, nghe Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình các vấn đề liên quan đến công tác nâng cao chất lượng dạy và học; cơ sở vật chất trường lớp; công tác quản lý, chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo.

 Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
 
 
Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương , Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT tại phiên họp.
 
 
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình tại phiên họp.
 

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình về tình hình dạy và học năm học 2016-2017, kết quả chất lượng giáo dục các cấp học phổ thông được nâng cao hơn và số học sinh bỏ học thấp hơn các năm trước. Số học sinh lớp 12 đăng ký thi cụm tốt nghiệp THPT kết hợp tuyển sinh vào các trường đại học chiếm gần 54%; số còn lại đăng ký cụm thi tốt nghiệp THPT để vào học các trường trung cấp. Sở GD&ĐT hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 kết hợp các trường đại học, cao đẳng phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tư vấn tuyển sinh, lựa chọn ngành học. Các trường học có tổ chức dạy thêm kết hợp phụ đạo học sinh học yếu trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Định hướng việc dạy thêm, học thêm theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh tập trung vào nhà trường. Qua đó, hạn chế tiêu cực trong việc giáo viên đưa học sinh về nhà dạy thêm. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc sửa chữa nhỏ các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của các trường học. Việc luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên công tác tại các xã vùng đặc biệt khó khăn về vùng đồng bằng đạt tỷ lệ rất thấp so với nhu cầu. Đối với học sinh dân tộc thiểu số ở xã Ma Nới đang học tại Trường THPT Nguyễn Du không thuộc diện cơ sở giáo dục nội trú. Trước mắt, nhà trường bố trí phòng ở tạm cho các em sinh hoạt, học tập tại trường. Sở GD&ĐT xem xét xây dựng phòng nội trú cho các em và thực hiện chế độ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Về đội ngũ giáo viên mầm non đã giải quyết gần 200 biên chế trong năm học 2016-2017, hiện đang thiếu khoảng 500 biên chế. Đội ngũ giáo viên THPT và THCS bảo đảm đủ biên chế cho hoạt động giảng dạy. Đối với cấp tiểu học nếu học 2 buổi/ngày sẽ thiếu giáo viên. Việc thu học phí đối với học sinh các cơ sở giáo dục công lập đạt thấp, chưa đáp ứng được nguồn kinh phí hoạt động cho các trường học…

Đồng chí Châu Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ giải trình đối với giáo viên thuộc diện điều động công tác ở vùng đặc biệt khó khăn quá thời hạn mà chưa được luân chuyển. Ngày 10-7-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52/2014/QĐ-UBND về Quy chế luân chuyển cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao lãnh đạo Sở GD&ĐT chủ động làm việc với các các huyện, thành phố thỏa thuận luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở các xã vùng đặc biệt khó khăn về vùng đồng bằng. Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính giải trình về định mức chi của ngành GD&ĐT, toàn bộ kinh phí phân bổ cho ngành GD&ĐT theo quy định của Chính phủ được chuyển đầy đủ cho các cơ sở giáo dục. Trong đó có 2% kinh phí sửa chữa duy tu chống xuống cấp trường lớp. Đối với định mức chi cho ngành GD&ĐT được thực hiện theo đúng Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng việc giải trình của Giám đốc Sở GD&ĐT cơ bản đáp ứng được yêu cầu chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ, đổi mới công tác quản lý, thi cử, phân luồng, hướng nghiệp, xã hội hóa. Chất lượng giáo dục của tỉnh ta còn ở mức trung bình thấp so với cả nước. Tỉnh tập trung giải quyết việc chuẩn hóa, giáo dục mầm non, học 2 buổi/ngày, chính sách đối với giáo viên và học sinh ở các xã vùng khó khăn. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Ngành GD&ĐT thực hiện việc hướng nghiệp, đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Gắn chặt giữa việc dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động qua đào tạo. Thống nhất cơ chế quản lý các trung tâm hướng nghiệp-dạy nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động bảo đảm hiệu quả. Việc dạy thêm, học thêm cần được tổ chức theo hướng tập trung trong nhà trường, tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về cơ sở vật chất, rà soát sắp xếp lại trường lớp, nâng tính tự chủ của nhà trường, đẩy mạnh xã hội hóa; các huyện tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Rà soát tình trạng cơ sở trường lớp cần duy tu bảo dưỡng và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt phương án huy động các nguồn lực đầu tư xã hội duy tu bảo dưỡng. Nghiên cứu phân bổ kinh phí hàng năm theo hướng bảo đảm yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tập trung xây dựng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo nhân tài cho tỉnh. Ngành GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành tổ chức khảo sát đề xuất biện pháp miễn giảm học phí cho học sinh nghèo. Ngành GD&ĐT tăng cường rà soát việc luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở các xã vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi; bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn. Cân đối biên chế giữa giáo viên mầm non với giáo viên các cấp phổ thông; giữa các trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập bảo đảm hoạt động đúng quy định…