Những mô hình học tập tiêu biểu
Ở làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước) có tộc họ Kút Hamurốk điển hình trong công tác KH-KT. Phát huy truyền thống hiếu học, từ khi thành lập đến nay, tộc họ Hamurốk luôn quan tâm, vận động các gia đình chăm lo việc học của con em, tiết kiệm chi tiêu dành tiền xây dựng Quỹ Khuyến học nhằm khuyến khích, giúp đỡ con cháu các gia đình trong tộc họ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Bà Trương Thị Đào, Thư ký tộc họ, chia sẻ: Nhằm hỗ trợ, động viên con cháu học hành tiến bộ, từ năm 2008 đến nay, tộc họ luôn duy trì nguồn Quỹ Khuyến học. Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn có con em đang theo học, tộc họ ưu tiên cho mượn vốn không tính lãi. Hằng năm, vào dịp Tết Dương lịch, con cháu nội, ngoại có thành tích học tập tốt, đỗ đạt cao được tộc họ vinh danh, khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, để động viên con cháu học hành lên cao, chúng tôi còn “treo thưởng” 3 triệu đồng cho con cháu học lên thạc sĩ, 5 triệu đồng cho con cháu học lên tiến sĩ. Nhờ vậy, đến nay, toàn tộc họ có 154 người thì có 6 người có trình độ thạc sĩ, 21 người có trình độ đại học, 17 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm ổn định, góp phần xây dựng quê hương, đóng góp Quỹ Khuyến học và trở thành tấm gương để thế hệ trẻ phấn đấu học tập.
Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Chi nhánh Viettel Ninh Thuận tặng học bổng cho học sinh nghèo.
Là “Đơn vị học tập” tiêu biểu của huyện Ninh Sơn, những năm học qua, Trường THPT Nguyễn Du luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh, nhà hảo tâm, cựu học sinh (HS) thành đạt của trường… xây dựng Quỹ Khuyến học khen thưởng HS giỏi, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từ năm học 2009-2010, nhà trường đã tham mưu cấp trên và tạo điều kiện cho giáo viên đi học cao học. Hằng năm, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức cho giáo viên dự giờ, thao giảng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức cho HS học tập 2 buổi/ngày và tham gia các kỳ thi thử, thi HS giỏi cấp trường, tỉnh, quốc gia… Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đại trà, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn HS giỏi được nâng lên rõ rệt. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường có 62 người đều đạt chuẩn, trong đó cán bộ, giáo viên có trình độ trên đại học chiếm 24%. Từ năm học 2011-2012 đến nay, nhà trường có 9 HS giỏi cấp quốc gia, 33 HS giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT 5 năm qua trung bình đạt trên 95%, hơn 60% HS đỗ đại học, cao đẳng.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào KH-KT
Ông Phạm Hồng Cường, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Triển khai Đề án 281 của Chính phủ, thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, "Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; đẩy mạnh phong trào thi đua KH-KT cả trong và ngoài nhà trường… tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy các gia đình thi đua trong học tập, lao động sản xuất, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Qua đánh giá, toàn tỉnh hiện có 29.632/38.069 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 177/264 dòng học đăng ký được công nhận “Dòng họ học tập”, 86/197 cộng đồng đăng ký được công nhận “Cộng đồng học tập”. Toàn tỉnh có 100% xã, phường có Trung tâm Học tập cộng đồng, tạo cơ hội bình đẳng để mỗi người dân có cơ hội tham gia học tập và học tập suốt đời.
Để công tác KH-KT, xây dựng các mô hình khuyến học trong và ngoài nhà trường phát triển hơn nữa, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Đề án 281 của Chính phủ trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và những kinh nghiệm rút ra sau 15 năm xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập; củng cố hoạt động và triển khai thí điểm Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm học tập cộng đồng”; đồng thời, phát triển đa dạng các hình thức Quỹ Khuyến học, tạo nhiều học bổng cho HS, sinh viên nghèo, hỗ trợ thanh niên nghèo học nghề… Qua đó, góp phần thắp sáng truyền thống hiếu học, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Lâm Anh