Trong tháng 1-2017, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế tổ chức 12 buổi nói chuyện về tác hại của thuốc lá tại 12 trường học thuộc THCS, THPT và Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Qua đợt nói chuyện đã giúp các em hiểu biết về tác hại của thuốc lá và cách phòng chống, nhất là đối với các em nữ biết cách tránh ảnh hưởng của khói thuốc lá. Qua tìm hiểu có rất nhiều nguyên nhân khiến các em nghiện thuốc lá như: Do nhận thức không đúng đắn của các em, muốn tự khẳng định bản thân, thích nổi bật trong đám đông nhưng lại hành động theo hướng sai lệch; do không nhận được sự giáo dục quan tâm đầy đủ của gia đình; do người lớn hút thuốc trước mặt con trẻ làm cho các em có suy nghĩ hút thuốc không có hại; do đua đòi, bị bạn bè rủ rê, khiêu khích, chơi với bạn bè xấu bị ảnh hưởng, hay cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen không bỏ được…
Các em rất dễ dàng mua thuốc lá ở bất cứ chỗ nào tại các thành thị, vùng nông thôn, đặc biệt là việc bán lẻ ở các quán cà phê, các hàng quán và các tủ thuốc lá ở ven đường ngày càng phổ biến. Hơn nữa, các em cũng không hiểu về những tác hại do khói thuốc lá gây ra.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam trên 15 tuổi hút thuốc có 15,3 triệu người, chiếm 47,4%, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc, 38 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ: Theo điều tra năm 2010, 56% người bắt đầu hút trước tuổi 20 đa số là do sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, kiến thức của người dân, trong đó có các thanh, thiếu niên chưa được trang bị một cách đầy đủ.
Trước thực trạng đó, công tác phòng, chống hút thuốc lá là một vấn đề bức thiết, đối tượng được quan tâm nhất là các thanh, thiếu niên. Để góp phần đẩy lùi tình trạng này không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần phải có sự phối hợp của gia đình và xã hội. Cần tích cực tuyên truyền, giáo dục về tác hại thuốc lá tới học sinh, sinh viên thông qua các diễn đàn hoặc sân khấu, đồng thời tổ chức các hoạt động thu hút học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, để các em là tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến bạn bè, người thân. Phụ huynh, thầy, cô giáo, những người xung quanh luôn gương mẫu chấp hành nghiêm những quy định về không hút thuốc lá để làm gương cho các em. Gia đình cần quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với con em mình, nhất là trong độ tuổi mới lớn. Nhà trường nên có các buổi học ngoại khóa, lồng ghép nhằm trang bị kiến thức về phòng tránh tác hại của thuốc lá.
Trần Thị Tuyết (Trung tâm TTGDSK)