Lao động xuất khẩu cũng góp phần thu hút đầu tư

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu được tổ chức tốt thì lao động của Việt Nam từng làm việc ở nước ngoài sẽ là một trong những yếu tố thu hút đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngày 8/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cảm ơn chân thành trước những đóng góp của các doanh nghiệp (DN) cho việc xuất khẩu lao động Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, công tác xuất khẩu lao động được nhân dân quan tâm, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều nhân dân phản ánh để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nỗ lực hơn nữa trong việc xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều thị trường lao động tập trung, quy mô hàng vạn lao động; đây chính là thành quả và bài học kinh nghiệm quan trọng. Với những thành quả đã đạt được, ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các DN sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Quan tâm đến vấn đề lao động bỏ trốn, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có một chuyên đề tập hợp kiến nghị các giải pháp từ DN, từ đó Bộ LĐTB&XH sẽ tập hợp lại, tìm ra hướng khắc phục vấn đề này. Cùng với đó, các DN cần báo cáo hoạt động thường xuyên của mình, công khai hoá kết quả để người lao động thực sự tin cậy, từ đó DN có thể tiếp cận được với lao động tại các địa phương thuận lợi hơn.

Đối với Đề án "Giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới trong đó gắn với lao động kỹ thuật", ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế về xuất khẩu lao động để xuất khẩu lao động trở thành hoạt động bình thường, có hiệu quả cao.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Trăn trở với vấn đề cạnh tranh giữa các DN xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, trong thời gian tới, các DN cần duy trì cạnh tranh lành mạnh để khắc phục được tiêu cực, công khai, minh bạch được các hoạt động, thông tin và cơ chế hoạt động xuất khẩu của DN. Để cạnh tranh lành mạnh cần công khai hoá thông tin; có cơ quan tiếp nhận người lao động và thẩm định, xử lý những khúc mắc để cộng đồng DN và người lao động cùng biết. Cần phải dùng chính cơ chế thị trường để duy trì cạnh tranh lành mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cần phải thảo luận chuyên đề với các tỉnh để tạo ra cơ chế hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương. Sau khi hoàn thiện các văn bản công bố, Mặt trận các cấp sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện quy chế liên quan tới xuất khẩu lao động mà Bộ LĐTB&XH đã ban hành tại các địa phương.

Ảnh: VGP/ Đình Nam

Trao đổi với Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải chấn chỉnh, khắc phục bất cập trong công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để mở rộng những ngành nghề mới, thị trường mới.

“Làm sao để bớt dần lao động giản đơn, mở rộng thêm thị trường lao động trình độ cao”, Phó Thủ tướng nói.

Qua ý kiến, phản ánh của các DN, Phó Thủ tướng đề cập đến vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc mà các DN xuất khẩu lao động gặp phải trong quá trình tuyển dụng lao động.

“Các DN rất cần tăng cường công tác đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng cũng cần chú ý mô hình, nội dung, phương pháp đào tạo có thể sử dụng cho lao động trong nước”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh yêu cầu Bộ LĐTB&XH khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục cho DN xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cộng đồng DN xuất khẩu lao động, trước hết là Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam phải chủ động, mạnh mẽ hơn trong việc phản ánh, kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lao động bền vững.

“Hiệp hội phải cùng Nhà nước tạo ra một môi trường, thị trường tốt để làm sao ý kiến của Hiệp hội được các đối tác nước ngoài xem xét trước khi đưa ra quyết định. Những tiêu cực, vòi vĩnh, chúng ta phải đấu tranh. Những DN chấp hành không tốt chúng ta cũng phải đấu tranh”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với người lao động, Phó Thủ tướng cho rằng cần có nhiều phương thức, chương trình để người lao động trực tiếp biết được cơ hội việc làm, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của mình khi đi làm việc ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch thông tin đến người lao động qua mạng internet hay qua mạng lưới bưu điện văn hóa xã.

“Ngay cả người lao động trong nước cũng phải hướng đến chất lượng cao, trình độ cao nhưng thực tế nếu người lao động có ngoại ngữ, có ý thức tuân thủ pháp luật và tác phong làm việc phù hợp với những nước đó thì thị trường vẫn còn lớn. Và chỉ lực lượng lao động như vậy cũng giúp cho nhiều người nghèo, gia đình nghèo thoát khỏi cái nghèo”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nguồn www.chinhphu.vn