Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị toàn quốc về phòng chống tội phạm
Ngày 7-3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ tình hình nổi cộm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, nhất là những diễn biến phức tạp đối với các loại tội phạm có tổ chức trên một số địa bàn trọng điểm gây dư luận phẫn nộ và hoang mang trong nhân dân.
Trước tình hình đó, BCĐ 138/CP của Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nổi bật là: Tham mưu nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật cho cấp có thẩm quyền trong công tác này; kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; bảo vệ tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được coi trọng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo 138/CP.
Chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, một số cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm trong thi hành công vụ, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, trong gia đình, có nơi, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Công tác quản lý đối tượng nhạy cảm chưa cao.
“Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị đối với công tác này. Ở nơi nào đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì tình hình tội phạm giảm, ngược lại thì tội phạm lộng hành. Ngay cả cuộc họp quan trọng này cũng thiếu vắng một vài lãnh đạo các tỉnh không tham dự mà giao cho ngành công an”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ cần quyết liệt thực hiện.
Đó là, cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình và chiến lược về công tác phòng chống tội phạm, phấn đấu các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự xã hội, xây dựng xã hội an toàn lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực cảm hoá và giúp đỡ người mãn hạn tù, giải quyết dứt điểm, kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân từ cơ sở.
Các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự từ cơ sở, các cơ quan tư pháp có sự phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị nhanh chóng truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.
“Các lực lượng cần tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, kể cả đối tượng đã trốn ra nước ngoài, không để hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Nơi nào để tội phạm lộng hành thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện có hiệu quả Chương trình của Chính phủ phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người đến năm 2020. Các cơ quan được giao chủ trì các đề án cần bám sát nội dung chủ yếu đã được Thủ tướng phê duyệt để tổ chức thực hiện ngay trong quý I/2017.
Đối với hoạt động của BCĐ 138 các cấp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh công tác phòng chống tội phạm tại các địa phương. Đồng thời biểu dương thành tích của các lực lượng và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. BCĐ 138/CP sẽ đi kiểm tra tại một số địa phương.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, người bảo kê, “chống lưng” cho tội phạm lộng hành.
► Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về vấn đề khai thác cát trái phép
Chiều 7/-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép đang gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Với đà khai thác hiện nay, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt với nhiều hệ lụy làm xói mòn, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân, mất an ninh trật tự, gây bức xúc với người dân.
Để việc khai thác cát sỏi đúng quy định, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên sông và cửa biển.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Phó Thủ tướng cho rằng, một số cấp uỷ và chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho hành vi sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý còn chưa đồng bộ, hiệu quả.
“Phải thấy một thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày, liên tục mà không bị xử lý. Có tình trạng cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho tội phạm nếu không nói là bảo kê. Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, xã hội đen. Hầu như địa phương chưa đánh giá khách quan về tình hình bức xúc này. Do đó, cần một quyết tâm lớn của cả các cấp, các ngành với các giải pháp đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi cho được tình trạng này”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, để đấu tranh có hiệu quả với nạn khai thác cát trái phép, cần thực hiện nghiêm túc pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần bổ sung và tăng cường chức năng của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm 138 từ Trung ương xuống địa phương đối với công tác này. Có cơ chế xử lý, phối hợp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chống nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn. Với địa bàn giáp ranh mà các đối tượng khai cát trái phép lợi dụng để trốn tránh thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải chống cho được việc lợi dụng được nạo vét để tận thu cát.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các lực lượng chức năng cần sớm mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6. Đồng thời, thực hiện rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật cho chặt chẽ để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Các bộ trên cơ sở chức năng của mình cần tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá, nghiên cứu và sản xuất các vật liệu thay thế cát tự nhiên, tiếp tục tạm dừng cấp phép các dự án xã hội hoá để nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền; kiểm soát nghiêm ngặt sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân.
Có biện pháp quản lý chặt chẽ hoá đơn thuế đối với việc mua bán cát sỏi, ngăn chặn việc mua bán hoá đơn hoặc hợp thức hoá chứng từ đối với cát sỏi; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các địa phương trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về khai thác cát sỏi, chủ động phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm, tuyên truyền trung thực, khách quan về tình hình khai thác cát trái phép.
Các địa phương cần rà soát, đánh giá việc thăm dò, khai thác cát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tăng cường kiểm tra khai thác cát sỏi tại những khu vực giáp ranh; nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý người đứng đầu, phát hiện người nào “bảo kê”, tiếp tay, bao che thì tuỳ tính chất mà xử lý nghiêm minh theo quy định.
► Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho Vườn ươm công nghệ cao Việt Nam-Hàn Quốc
Chiều ngày 7-3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp về tháo gỡ khó khăn cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc của TP. Cần Thơ.
Dự án Vườn ươm công nghệ này là kết quả từ chương trình hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng vốn đầu tư của Vườn ươm là hơn 21 triệu USD, trong đó có nguồn đối ứng của Cần Thơ là 3,43 triệu USD nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ cho Thành phố mà cả vùng ĐBSCL. Từ quý III/2015, Vườn ươm này đã đi vào hoạt động. Hiện Hàn Quốc đã tài trợ trang thiết bị cho 3 ngành: Cơ khí, chế biến nông sản, chế biến thủy sản.
Tới nay, Cần Thơ cũng ban hành các khung khổ pháp lý cho sự hoạt động của Vườn ươm này. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn chưa hoàn thành chủ trương đầu tư về hỗ trợ chuyên gia vận hành, cung cấp gói thiết bị cho nghiên cứu khoa học còn lại cho Vườn ươm.
Để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1193/QĐ-TTg về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm như các chính sách ưu đãi đặc thù về chính sách thuế, tín dụng đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực đối với Vườn ươm và các doanh nghiệp ươm tạo công nghệ,…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đánh giá đây là vườn ươm lớn nhất Việt Nam và đã hoàn thành khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, tới nay hoạt động của Vườn ươm còn hạn chế, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia ươm tạo. Đến nay, Vườn ươm mới thu hút được 3 doanh nghiệp tham gia ươm tạo với số vốn đầu tư là hơn 17 tỷ đồng, diện tích lấp đầy là 200 m2 trên tổng diện tích hơn 13.000 m2. Nguyên nhân là do thiếu chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ điều hành, các thiết bị hỗ trợ hoạt động ươm tạo chưa được phía Hàn Quốc bổ sung. Ngoài ra là một số vướng mắc liên quan tới chính sách ưu đãi chưa đạt được như tại Quyết định số 1193 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại Cần Thơ là vốn quý của Vùng ĐBSCL và cả nước, là một thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia và Quốc hội chuẩn bị thông qua dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để hoạt động của Vườn ươm hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để thúc đẩy hỗ trợ các gói tài chính mua sắm trang thiết bị, cử chuyên gia chuyển giao kỹ thuật điều hành Vườn ươm cho Cần Thơ. Bộ Công Thương rà soát lại các nội dung của Quyết định số 1193 để xác lập mô hình hoạt động của Vườn ươm theo hướng hoạt động tự chủ, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ hoạt động cho Vườn ươm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành, áp dụng thí điểm cho Vườn ươm.
Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về chuyên gia tư vấn về quy trình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực liên quan cho Vườn ươm. Bên cạnh đó, Vườn ươm cũng cần tìm cơ chế sử dụng chuyên gia khoa học từ các trường đại học trên địa bàn TP.Cần Thơ; xây dựng hệ thống dữ liệu các chuyên gia, dữ liệu về công nghệ và tăng cường truyền thông, quảng bá để kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân trong nước và cả nước ngoài tới ươm tạo, khởi nghiệp.
Nguồn: văn phòng Chính phủ