Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được Đảng, nhà nước, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn thể quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình vi phạm lâm luật vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp; tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp không bám sát quy hoạch được duyệt; đất rừng bị lấn chiếm, tình trạng người dân đốt, phá rừng làm nương rẫy vẫn còn diễn ra; tình hình chống người thi hành công vụ xảy ra nhiều và ngày càng nghiêm trọng; công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, bảo vệ rừng đối với một số diện tích rừng và đất rừng giữa ngành nông nghiệp với một số địa phương chưa chặt chẽ, thống nhất; việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trong những năm qua mang lại hiệu quả chưa cao; một số khu vực đã tổ chức trồng nhưng không thành rừng vẫn chưa có giải pháp để khắc phục hiệu quả; chưa phát huy những tiềm năng, lợi thế một số lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao; trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định; nhiều địa phương, chủ rừng để xảy ra phá rừng trái pháp luật nhưng vẫn chưa được xử lý nghiêm túc.
Để khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, bảo đảm kỷ cương pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn từ nay đến năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các đơn vị chủ rừng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; kiểm tra, rà soát, đánh giá các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự án nào hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật thì khuyến khích tiếp tục đầu tư; dự án nào vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì xử lý theo quy định pháp luật; dự án nào hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng, sang nhượng dự án, huy động vốn bất hợp pháp để thực hiện dự án, không thực hiện đúng nội dung được phê duyệt thì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi.
b) Theo dõi, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 1705/KH-UBND ngày 24/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 14/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo.
c) Trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng được phê duyệt, xác lập cơ sở dữ liệu ở các cấp quản lý; hàng năm mỗi cấp quản lý phải có trách nhiệm cập nhật theo dõi diễn biến rừng, bổ sung thông tin, các biến động về tài nguyên rừng, đảm bảo hệ thống dữ liệu luôn sát thực tế, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở mỗi cấp; điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng mới Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp những khu vực không còn phù hợp, những khu vực mà người dân đã bao chiếm sản xuất nông nghiệp từ lâu, chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất; tổ chức bàn giao rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa cho các địa phương, chủ rừng, lập hồ sơ quản lý, cắm mốc, xác định ranh giới trên bản đồ và thực địa; tăng cường kiểm soát, quản lý kế hoạch, quy hoạch, quyết định các vấn đề như giao rừng, cho thuê rừng, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phải trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch được duyệt, chấm dứt tình trạng quy hoạch chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư; gắn trách nhiệm của chủ rừng, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương với việc bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn rừng được giao.
d) Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; tổng kết, đánh giá, xác định loại cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh để bổ sung giống cây trồng rừng chủ lực; nghiên cứu xây dựng triển khai các dự án trồng cây dược liệu, chuối hột mồ côi, cao khai, xáo tam phân, nấm linh chi,… để bảo tồn và phát triển loài, nguồn gen đặc hữu; đẩy mạnh mô hình chăn nuôi dưới tán rừng; tiếp tục trồng cây phân tán (như: Trôm, Neem, Cóc hành, Phi lao, Keo lai và một số cây lâm nghiệp khác) thích nghi với điều kiện tại địa phương; tập trung triển khai xây dựng Dự án trồng rừng ven biển chống biến đổi khí hậu và dự án trồng rừng mới ở lưu vực hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, trách nhiệm bảo vệ rừng của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã; trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm; trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng. Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 85/2016/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, Hạt kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp xã thiếu kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lấn, chiếm rừng, khai thác rừng trái phép, đốt rừng gây cháy rừng, phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
e) Xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa UBND tỉnh Ninh Thuận với UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Bình Thuận. Tổ chức ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng rà soát Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận để ký kết bổ sung; tham mưu UBND các huyện trong tỉnh ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh.
e) Chỉ đạo việc triển khai Đề án sắp xếp, đổi mới Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến theo Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 06/10/2016 và Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 06/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
g) Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm:
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ xã và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ trái pháp luật; nghiêm cấm hành vi hủy hoại, khai thác trái phép tài nguyên rừng, tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản, hệ sinh thái rừng và tài nguyên khác; nghiêm cấm mang, sử dụng trái phép hóa chất độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, xung điện vào rừng để săn, bắt, bẫy động vật rừng, chích cá ở các hồ nước trong rừng trái pháp luật;
- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản nhập, xuất lâm sản trái pháp luật;
- Bố trí công chức Kiểm lâm có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức về phụ trách các xã có rừng, quản lý, cập nhật, nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý, tham mưu Hạt trưởng và Chủ tịch UBND xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định pháp luật;
- Tăng cường quản lý nương rẫy, ngăn chặn việc phá rừng làm rẫy, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Khi phát hiện vụ việc phá rừng làm rẫy, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép phải lập biên bản, xác định hiện trạng rừng, tọa độ, vị trí, vẽ sơ đồ, ghi lại hình ảnh, phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai danh tính người vi phạm để người vi phạm biết, yêu cầu người vi phạm không được trồng cây nông nghiệp trên lô rừng vừa bị phá, lấn chiếm, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế nhổ bỏ cây trồng và xử lý theo quy định pháp luật, thu hồi lô đất bị phá để trồng lại rừng hoặc phục hồi, xúc tiến tái sinh tự nhiên;
- Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức Kiểm lâm và viên chức bảo vệ rừng của chủ rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng.
h) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng:
- Thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao theo đúng quy định pháp luật; triển khai xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng được phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng trên diện tích rừng nhận khoán bảo vệ; tổ chức truy quét các đối tượng khai thác lâm sản, chặt cây, hầm than, săn bắt động vật rừng trái pháp luật;
- Lập hồ sơ quản lý rừng, xác định cột mốc, ranh giới, hiện trạng ngoài thực địa; cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên lâm phần quản lý; quản lý nương rẫy và ngăn chặn phá rừng làm rẫy theo quy định, quy trình, hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm;
- Tổ chức trồng rừng, phát triển rừng theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả;
- Đóng các bảng cấm tại các trục lộ giao thông trong rừng, ven rừng để quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào rừng; kích thước, nội dung ghi trên bảng cấm, thông báo, tuyên truyền cho nhân dân biết,…
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND huyện, thành phố theo quy định pháp luật và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có rừng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, trách nhiệm bảo vệ rừng của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định pháp luật.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc quản lý nương rẫy, ngăn chặn hành vi phá rừng làm rẫy, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật; kiên quyết nhổ bỏ cây trồng nông nghiệp trên diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, thu hồi để xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc trồng lại rừng; nghiêm cấm mang, sử dụng trái phép hóa chất độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, xung điện vào rừng để săn, bắt, bẫy động vật rừng, chích cá ở các hồ nước trong rừng trái pháp luật.
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận lâm sản trong quá trình khai thác cây gỗ vườn rừng, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán, cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ theo đúng quy định pháp luật. Đối với cây gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên đất nông nghiệp, đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, cây trồng cảnh quan tại các khu vực công cộng, khu dân cư, cây trồng tại các trục giao thông các địa phương không được xác nhận, cấp phép khai thác; những trường hợp cần thiết, bắt buộc phải khai thác vì mục đích bảo đảm an toàn, giải phóng mặt bằng phải có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Chủ rừng trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản, phá rừng, săn bắt động vật rừng trái pháp luật; rà soát, lập danh sách các đối tượng phá rừng, các “đầu nậu” chuyên vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái pháp luật để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý.
e) Tổ chức thực hiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 1705/KH-UBND ngày 24/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 14/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo;
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất số liệu kiểm kê rừng, thống nhất việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp; triển khai việc giao đất, cho thuê, thu hồi đất lâm nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí kịp thời, đầy đủ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí kinh phí từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các Dự án bảo vệ và phát triển rừng và các dự án khác có liên quan.
5. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Chủ động, phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa 3 lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm; Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; triển khai thực hiện Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh biết; xây dựng phóng sự tuyên truyền về các mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; đưa tin về gương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phản ánh những cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, mất rừng, cháy rừng trái pháp luật.
7. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật; cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để thì lãnh đạo địa phương, đơn vị đó đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định pháp luật.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ rừng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này bảo đảm đạt hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lưu Xuân Vĩnh