Tháng 10/2016, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Diễn đàn APEC tại Peru đã thống nhất “Chiến lược Giáo dục APEC” và xác định tầm nhìn, mục tiêu và hành động cho phát triển giáo dục tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030. "Chiến lược Giáo dục APEC" là đề cương phát triển giáo dục khớp với chủ đề "Tăng trưởng chất lượng và phát triển con người" của APEC năm 2016, Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc và "Khung hành động về giáo dục đến năm 2030" của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc. Theo đó, đến năm 2030, APEC sẽ hoàn thành xây dựng Cộng đồng Giáo dục với đặc sắc bao dung và chất lượng, cung cấp sự nâng đỡ cho tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như mang lại phúc lợi xã hội và việc làm cho các thành viên APEC.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thế Phong
Trên cơ sở đó, tại Diễn đàn, các thành viên APEC EDNET đã trao đổi về cam kết hợp tác về phát triển giáo dục ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo các nguyên tắc được xác định trong "Chiến lược Giáo dục APEC", trong đó các nền kinh tế thành viên vạch ra một lộ trình để đạt được một cộng đồng giáo dục APEC mạnh, gắn kết đặc trưng bởi nền giáo dục toàn diện và chất lượng.
Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển...
Các đại biểu tham dự Diễn đàn nhất trí quan điểm giáo dục-đào tạo là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của APEC, đồng thời tập trung trao đổi về một số chủ đề chính như: Chiến lược Giáo dục APEC; tăng cường giáo dục xuyên biên giới; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; xem xét các khía cạnh công nhận văn bằng giáo dục trong khuôn khổ APEC; kết nối các nền giáo dục đại học APEC nhằm hỗ trợ và chia sẻ công nghệ đào tạo giúp các quốc gia đang phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Tại đây, các chuyên gia đến từ các nền kinh tế như Australia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… cũng có nhiều báo cáo chất lượng và những chia sẻ điển hình tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa các nên kinh tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là tập trung vào các nội dung được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục APEC 2016. Phía Việt Nam có 2 bài trình bày của Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam về chương trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Temasek, Singapore; báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về các định hướng ưu tiên của giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay và các đề xuất về các hoạt động của Việt Nam trong mạng lưới giáo dục của các nền kinh tế APEC.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, cũng như các nước thành viên khác trong APEC, Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam được bắt đầu tiến hành cách đây hơn một thập kỷ.
Từ lý luận đến thực tế, giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được các nền kinh tế APEC đánh giá là có tác động mạnh đến hoạt động kinh tế, an sinh xã hội, đổi mới và tăng trưởng ở từng nền kinh tế. Giáo dục-đào tạo cung cấp các kỹ năng và kiến thức mà nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có để tăng năng suất lao động và cạnh tranh trong thị trường việc làm khu vực cũng như toàn cầu.
Giáo dục-đào tạo cũng là một động lực quan trọng trong việc xây dựng xã hội lành mạnh và ổn định của các công dân có trách nhiệm và cam kết tăng cường sự phồn vinh và thịnh vượng. Tăng kết quả giáo dục, đặc biệt là đối với các nhóm thiệt thòi, đã được xác nhận là có đóng góp rất lớn cho sự ổn định xã hội và đặc biệt, tăng độ học vấn của phụ nữ và trẻ em gái, những tiến bộ về bình đẳng giới đã góp phần vào tăng trưởng GDP cho toàn bộ nền kinh tế một cách bền vững hơn.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định “Để tạo dựng các cơ hội hợp tác giáo dục, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ mang tính hệ thống phù hợp với đặc điểm hệ thống giáo dục của mỗi nước. Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước thành viên APEC trong công cuộc đổi mới giáo dục của mình”.
Nguồn www.chinhphu.vn