Rời Song Tử Tây, tàu HQ996 tiếp tục hành trình đến với đảo chìm Đá Thị trong tiết trời ấm áp của những ngày đầu năm mới 2011. Xuồng chở đoàn công tác đang tiến vào đảo thì gặp mưa. Mưa dần nặng hạt. Ai nấy ướt lạnh. Song, mọi ánh mắt đều hướng về phía trước bởi đằng sau những đợt sóng kia, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị, quân phục chỉnh tề đang đứng đợi.. Xuồng vừa cập bến, Đoàn trưởng đoàn công tác, Thượng tá Trịnh Lương Vượng lệnh cho sĩ quan điều hành Đỗ Mạnh Quỳnh ra hiệu cho mọi người vào trong đảo.
Mưa biển bất chợt đến cũng bất chợt đi. Trừ cán bộ, sĩ quan đoàn công tác vùng IV Hải quân, hầu hết anh em phóng viên đều chủ quan không mang theo quần áo. Thế nên hôm ấy, cánh nhà báo có cơ hội “diện” bộ quân phục màu thiên thanh.
…Đêm xuống, đảo chìm như một khối sáng giữa không trung đen đặc. Ánh điện hắt xuống mặt biển tựa hồ tấm bạt được tráng một lớp mỡ bóng loáng. So với đảo nổi, cơ sở vật chất của đảo chìm thiếu thốn hơn nhiều: không có những dãy nhà, không cây xanh, không đường sá…Đảo hệt một khối bê-tông trơ trọi giữa khơi xa. Đại úy Bùi Duy Long, Đảo trưởng đảo Đá Thị cho biết: “Người lần đầu tiên ở đảo chìm nếu không được hướng dẫn những ký hiệu hay vật làm dấu riêng thì khó mà tìm được nơi cần đến. Thậm chí, ban đêm đi lại có thể bị ngã nhào”. Mùa mưa, hệ thống pin mặt trời chỉ hoạt động khoảng 30% công suất nên điện phục vụ sinh hoạt của bộ đội trên đảo chủ yếu dựa vào năng lượng điện gió. Nhưng gió ở Trường Sa chẳng “thuận”, số cánh quạt bị gió tạt hỏng quá bán. Khi chúng tôi đến, đảo phải phát máy nổ và đến 21 giờ 30 phút thì ngắt điện sinh hoạt. Tuân thủ quy định, anh em phóng viên cũng nghỉ ngơi đúng giờ. Nhưng một lần đặt chân lên đảo chìm một lần khó vì chẳng mấy dịp trong đời phóng viên có cơ hội đi tác nghiệp ở Trường Sa. Vậy nên, một số anh em rỉ tai nhau ý định thức đêm cùng lính đảo.
Chúng tôi xin phép chỉ huy đảo cho vài ba sĩ quan, chiến sĩ có cùng “nhã hứng” ngồi tâm sự. Đảo trưởng tâm lý bảo nhà bếp chuẩn bị nồi cháo cá bò to tướng. Giữa bốn bề sóng nước, những con người xa lạ bỗng trở nên thân tình như bằng hữu trùng phùng. Uống vội ngụm trà, Thượng úy Nguyễn Văn Quý, Chính trị viên đảo Đá Thị kể: “Năm ngoái, tôi được về phép tháng, một ngày trước khi đi, cháu trai nhà tôi bị sốt. Vợ bảo mình nán lại ít hôm. Nhưng kỷ luật nhà binh thì nghiêm phải biết, lòng không muốn mà đến ngày đến giờ phải vào đơn vị. Vợ giận con buồn, đành chấp nhận chứ biết làm sao!”. Binh nhất Bùi Thanh Điền quê ở Đồng Nai cũng góp lời: “Ba tháng tân binh, em không nghĩ gì về cuộc sống ở đảo. Ngoài giờ huấn luyện và sinh hoạt, chỉ biết điện thoại về cho người thân. Điện về hoài cũng hết chuyện nói nên cả chuyện tắm cho mấy chú chó đảo cũng kể cho bạn gái. Cô ấy luôn cười mỗi khi nghe kể những chuyện tương tự như thế”…
Quá nửa đêm, trời không trăng không sao. Bốn bề chỉ có gió và nước. Mọi người tranh thủ chợp mắt để mai còn tiếp tục hành trình. Cánh quạt điện gió ro ro trong đêm, hòa tiếng sóng rì rầm tạo thành bản hợp xướng đa âm đặc trưng của biển đảo. Đá Thị chìm dần vào giấc mơ tôi…
Diễm My (Gửi về từ Trường Sa)