Thưa các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng lại có dịp đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Nhân dịp đầu năm mới Xuân Đinh Dậu, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin chúc toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Ban và các đồng chí đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương đến dự buổi làm việc luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công.
Qua nghe báo cáo của Lãnh đạo Ban và ý kiến phát biểu của các đồng chí tham dự buổi làm việc, chúng ta vui mừng nhận thấy, trong 4 năm qua kể từ ngày tái lập, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa làm, vừa xây dựng lực lượng, đã nỗ lực phấn đấu, làm được nhiều việc, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trương ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hoạt động của Ban ngày càng toàn diện hơn, nhuần nhuyễn hơn và có thêm kinh nghiệm. Nổi bật là các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu, từng bước nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu với Đảng (bao gồm cả việc tham gia xây dựng các đề án, báo cáo và góp ý, thẩm định các đề án, báo cáo) về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực này.
Trong năm 2016, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nói chung và về phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. Ban đã có những báo cáo thẩm định có chất lượng và nhiều ý kiến góp ý sát hợp để hoàn thiện các báo cáo, đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt là các báo cáo, đề án trình Hội nghị Trung ương 4 vừa qua như: Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Đề án về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đề án về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Báo cáo về việc dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận; Đề án cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại yếu kém… Ban cũng đã hoàn thành tốt Báo cáo thẩm định Đề án về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công khi Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Các đề xuất, kiến nghị của Ban đều được Bộ Chính trị đánh giá là công phu, có trách nhiệm, sâu sắc và sát hợp với tình hình thực tế.
Cái mới là, từ quý III/2016 đến nay, lần đầu tiên kể từ khi được tái lập, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì triển khai chuẩn bị 3 đề án lớn trình Hội nghị Trung ương 5 khoá XII, dự kiến họp vào tháng 5 tới và 4 đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị trong năm 2017. Đó là những đề án rất lớn, quan trọng và cũng rất khó.
Để thực hiện những nhiệm vụ này, Ban đã và đang nỗ lực, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; tổng kết 10 năm 2006 - 2016 việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước; xã hội hoá dịch vụ công. Đồng thời, tập trung xây dựng các đề án: "Định hướng chính sách công nghiệp quốc gia giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến 2035"; "Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai"; "Phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới",… đến nay đã thu được những kết quả tích cực, bước đầu.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn các đồng chí về những kết quả, thành tích đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Ban tập trung tìm biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu trong Báo cáo của Ban, nhất là hạn chế, yếu kém về chất lượng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thưa các đồng chí,
Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn để phát triển. Thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới, thành công của Đại hội XII của Đảng với việc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn và những thành quả quan trọng đạt được trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã tạo động lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu, nợ công tăng cao; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…
Tình hình trên đòi hỏi chúng ta, cả hệ thống chính trị, trong đó có Ban Kinh tế Trung ương phải nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn để tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Tại buổi làm việc lần trước, cách đây 3 năm, tôi đã phát biểu nhấn mạnh, làm rõ vai trò, vị trí cũng như những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Ban Kinh tế Trung ương. Hôm nay, tôi muốn trao đổi, nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Ban ta tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2017 và cả nhiệm kỳ khoá XII.
Một là, phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Sau 30 năm đổi mới, đến Đại hội XII, Đảng và Nhà nước ta đã hình thành được một hệ thống khá cơ bản và hoàn chỉnh các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để nước ta phát triển nhanh và bền vững đúng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và mục tiêu, yêu cầu đề ra thì cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, hay như có người nói là phải đổi mới theo chiều sâu. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung, vấn đề và định hướng tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển. Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã xác định rõ những đề án, báo cáo cần được triển khai xây dựng. Ban Kinh tế Trung ương cần bám sát, quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII, nhất là hai Nghị quyết của Hội Nghị Trung ương 4 khoá XII nêu trên, nghiêm túc tổng kết lý luận và thực tiễn để có những đề xuất bổ sung, phát triển cần thiết, đúng đắn. Chú trọng đến các vấn đề như: động lực và nguồn lực cho phát triển; việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại; thực hiện thành công ba đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đổi mới quản lý và phát triển xã hội; tăng cưởng quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ngoài những đề án, báo cáo được giao chủ trì nghiên cứu, chuẩn bị, Ban Kinh tế Trung ương còn cần phải tích cực tham gia cùng các ban, bộ, ngành Trung ương thẩm định, phản biện một cách khách quan, sắc sảo, thuyết phục đối với các đề án, báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội do các cơ quan khác chủ trì chuẩn bị. Tập trung ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án: "Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập"; "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công"…
Trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới, các đồng chí cần tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng như:
- Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện, thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu? Từ đó đề xuất các chính sách, biện pháp tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường?
- Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỉ đồng "bị đắp chiếu"? Từ đó đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, có tính đột phá nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để Hội nghị Trung ương 5 xem xét, ban hành một Nghị quyết mới, đúng tầm, góp phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.
- Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
- Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá, xã hội, quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết Đại hội XII, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.
Hai là, cần chủ động, tích cực tham gia quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động cụ thể trên lĩnh vực này. Đồng thời, cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để nâng cao, thống nhất nhận thức và hành động, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; chú ý đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm cơ bản, đúng đắn của Đảng; phê phán, bác bỏ những nhận thức sai, quan điểm sai.
Thời gian qua, nhiệm vụ này dường như chưa được chú trọng đúng mức và Ban cũng chưa chủ động có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Ví dụ như, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII vừa qua đã ban hành hai nghị quyết rất quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, khu vực và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. Đó là: Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mặc dù là cơ quan trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thẩm định, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành, nhưng đến nay, sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương vào quá trình quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện hai nghị quyết này vẫn chưa thật rõ nét.
Mặt khác, cần đi sâu, bám sát hơn nữa tình hình thực tiễn của đất nước, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là cuộc sống của nhân dân để nhìn nhận, phản ánh đúng thực tế tình hình, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tiễn là căn cứ, là tiêu chuẩn để nhìn nhận, đánh giá đúng sai, những điểm được và chưa được trong chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, để từ đó tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, biện pháp và việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành.
Đồng thời, phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, khu vực để đề xuất, tham mưu kịp thời những quyết sách, giải pháp chính xác, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Thực tiễn năm 2016 cho thấy và như Đại hội XII đã nhận định, tình hình thế giới và khu vực bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen và đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cần nhạy bén, bình tĩnh, sáng suốt phân tích, dự báo để chủ động, kịp thời nắm bắt, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức.
Ba là, cần thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong phần Tổ chức thực hiện, các văn kiện của Đảng về kinh tế - xã hội thường quy định: Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực tế thời gian qua cho thấy, các ban đảng nói chung, Ban Kinh tế Trung ương nói riêng mới chủ yếu tập trung sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà chưa thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là rất ít có báo cáo đột xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đương nhiên, Ban cần xác định rõ phạm vi theo dõi, kiểm tra để không trùng lắp, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, như tôi đã có dịp đề cập tại cuộc làm việc lần trước, để từ đó có phương pháp công tác đúng, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ hết sức quan trọng này, kịp thời phát hiện đúng, sai trong việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng, cụ thể hoá tư tưởng chỉ đạo của Đảng và việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội.
Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh thêm, các đồng chí cần chú ý sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hoá, thể chế hoá, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý, chứ không phải chờ 3 năm, 5 năm mới sơ kết, 10 năm mới tổng kết và có báo cáo. Ví dụ như trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xã hội hoá các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hoá thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết. Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng nhiệm vụ này. Tôi đề nghị trong thời gian tới, Ban phải chú trọng nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, có hiệu quả. Kịp thời phát hiện những thành tích, ưu điểm để tổng kết, phát huy; những vướng mắc để tháo gỡ, những khuyết điểm, sai phạm để uốn nắn, xử lý. Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình "đắp chiếu", nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?
Ban Kinh tế Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra của mình, Ban có kiến thức và điều kiện để nắm bắt, phân tích các thông tin liên quan đến các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Các đồng chí phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn trong việc này, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.
Bốn là, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương và cán bộ của Ban phải nắm rất chắc và quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng được nêu trong Cương lĩnh, các nghị quyết đại hội Đảng; căn cứ vào Chương trình công tác toàn khoá và hằng năm của Trung ương Đảng; đồng thời thường xuyên bám sát thực tiễn, theo sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để tổng kết, đề xuất những cái mới, sáng tạo. Ban cần chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ. Sau 4 năm tái lập, bộ máy tổ chức, cán bộ của Ban đã được hình thành và đi vào hoạt động khá thông suốt. Ban đã xây dựng được Quy chế làm việc, xác định được mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, khá toàn diện, cả về chiều ngang và chiều dọc.
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Ban vẫn cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện; xây dựng cơ quan thật tinh gọn, chất lượng, có trình độ cao, có tính chiến đấu cao, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ phải có quan điểm vững vàng, am hiểu lý luận và thực tiễn sâu sắc, đoàn kết, thống nhất cao, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Rà soát, hoàn thiện các quy chế làm việc, phương pháp làm việc, mối quan hệ công tác trong lãnh đạo Ban, trong toàn Ban và với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với Ban cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương, với các ban, bộ, ngành và địa phương, với Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội… Tranh thủ sự phối hợp, cộng tác, giúp đỡ của đội ngũ cộng tác viên, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các đồng chí Phó Trưởng ban kiêm nhiệm; kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu của Ban.
Đồng thời, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Một lần nữa, tôi xin chúc Ban Kinh tế Trung ương và toàn thể các đồng chí năm mới thắng lợi mới, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nguồn www.chinhphu.vn