Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về các kiến nghị của Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Sáng 9-2, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Công Thương và kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nghe các bộ, ngành báo cáo về tình hình CCHC.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đã kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành các bộ, ngành có liên quan một số nội dung trong lĩnh vực cải cách hành chính, thủ tục, điều kiện kinh doanh, giao dịch điện tử và chữ ký số…
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả về CCHC mà Bộ Công Thương đạt được trong thời gian qua.
Đối với kiến nghị của Bộ Công Thương về công nhận tính pháp lý của giấy phép điện tử trong giao dịch điện tử, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, vấn đề này đã được điều chỉnh bởi Luật Giao dịch điện tử và đang được các bộ, ngành triển khai theo thẩm quyền như nộp thuế điện tử, khai báo hải quan điện tử... Do đó, không cần thiết ban hành thêm một văn bản chỉ đạo về nội dung này, các bộ căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện.
Về kiến nghị của Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo thống nhất đối với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành có các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sự tương tác trong công nghệ thông tin, phần mềm, đáp ứng yêu cầu kết nối thông tin trong môi trường mạng, kết nối với ASEAN, tạo sự thống nhất giữa các bộ, ngành, tránh lãng phí nguồn lực.
Đối với các vấn đề còn ý khác nhau, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành thảo luận, thống nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai
Sáng 9-2, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2017 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.
Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần phát triển doanh nghiệp (DN) không chỉ là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN.
Thống nhất với các ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương, VCCI xây dựng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Từ nay tới khi tổ chức hội nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, xử lý các kiến nghị của DN ở từng cấp, tránh để dồn tất cả các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
“Bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35? Ai không làm, ai làm chậm? Phải có địa chỉ cụ thể. Giờ mới có 40 tỉnh có số liệu đăng ký DN với 1,2 triệu DN tới năm 2020 nhưng gần 30 tỉnh khác thì như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, kết quả tạo thuận lợi thương mại và thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, việc đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều tới các ngành sản xuất; có giải pháp phát triển thị trường vốn chứng khoán, hỗ trợ cho khối ngân hàng.
Bộ KH&ĐT báo cáo về chỉ số phát triển DN và công bố công khai bộ chỉ số này cho năm 2017, động viên khen thưởng các đơn vị phát triển DN tốt. NHNN đánh giá rõ hơn công cụ chính sách tín dụng (trong nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại) để hỗ trợ các lĩnh vực, địa bàn trọng tâm; nâng cao tỉ trọng doanh thu các dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng.
“Phải đánh giá kỹ hơn bao nhiêu DN đang hoạt động và đăng ký mã số thuế; bao nhiêu DN phát sinh thuế, làm ăn có lãi so với năm 2016?”, Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các bộ, ngành cũng cần đánh giá rõ về lợi nhuận DN tạo ra hàng năm cùng với tiền lương, thu nhập của người lao động để nhận diện rõ được sức khỏe của cộng đồng DN.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp tốt hơn để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kiến nghị cụ thể về thị trường quyền sử dụng đất và vấn đề tích tụ ruộng đất. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu việc giảm phí BOT. Bộ Xây dựng chủ trì đánh giá việc tháo gỡ khó khăn trong thị trường nhà đất, bất động sản. Bộ Công Thương nêu rõ giải pháp phát triển thị trường biên mậu, xuất khẩu và đặc biệt là phòng vệ thương mại chính đáng để bảo vệ DN trong nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất giải pháp khơi thông thị trường lao động. Bộ KH&CN tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo quy định của Thủ tướng và khơi thông thị trường khoa học công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, việc thực hiện Nghị quyết số 35 – được Chính phủ ban hành sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016 - đã đạt được kết quả quan trọng, nhất là tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN vào cam kết về Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, thay đổi nhận thức trong bộ máy công quyền. Năm 2016 là năm kỷ lục về số lượng DN thành lập mới với hơn 110.100 DN, tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương thực hiện không tích cực Nghị quyết.
Văn phòng Chính phủ