1. Năm 2016 đã đi vào lịch sử khí tượng thế giới khi trở thành năm nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất vào năm 1880. Như vậy, đã 3 năm liên tiếp, nhiệt độ trung bình của Trái đất đạt mức cao kỷ lục.
Theo số liệu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho thấy, mức nhiệt trung bình trong năm 2016 đã lập kỷ lục mới, cao hơn 0,94 độ C so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ XX và tăng 0,07 độ C so với năm 2015.
Như vậy mức nhiệt của năm 2016 cao hơn khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vừa chính thức có hiệu lực ngày 4-11-2016 là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Những chỉ số về tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng đã lên tới những mức cao kỷ lục mới trong năm 2016, trong bối cảnh nồng độ khí CO2 và khí metan lập đỉnh mới.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới, trong năm 2016 đã xảy ra nhiều vụ thiên tai gây gián đoạn và tổn thất lớn về kinh tế xã hội.
2. Phát biểu tại “Đối thoại Raisina” lần thứ hai tổ chức ở thủ đô New Delhi mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Ấn Độ có lịch sử lâu dài của một quốc gia biển. Phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ Dương vượt ra ngoài giới hạn của ven biển. Sáng kiến của New Delhi về “An ninh, Thịnh vượng cho tất cả khu vực (SAGAR)” - không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ đất liền và hải đảo, mà xác định những nỗ lực của Ấn Độ để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh trong các mối quan hệ hợp tác hàng hải”.
Ông Modi nhấn mạnh “sự hội tụ, hợp tác và hành động tập thể sẽ đẩy hoạt động kinh tế và hòa bình trong khu vực hàng hải. Ấn Độ cũng tin rằng trách nhiệm chính cho hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Ấn Độ Dương thuộc về những người sống trong khu vực này. Ấn Độ mong muốn các nước hợp tác với nhau trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Trước đó, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ công bố báo cáo có tiêu đề “Những triển vọng và tình hình kinh tế thế giới” của Liên hợp quốc cho rằng Ấn Độ vẫn là nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sẽ đạt tốc độ tăng 7,7% trong tài khóa 2017.
P.V