1. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu chuyến công du đến 4 nước Philippines, Australia, Indonesia và Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Thủ đô Manila của Philippines hôm 12-1 và tiến hành cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về nhu cầu bảo vệ an ninh hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc xử lý tranh chấp trên biển. Phía Nhật Bản cam kết viện trợ 1.000 tỷ Yen, tương đương 8,5 tỷ USD, nhằm giúp Philippines xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký thỏa thuận Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cỡ nhỏ tốc độ cao cho lực lượng cảnh sát biển Philippines, đồng thời Nhật Bản cũng sẽ gửi chuyên gia hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến chống ma túy mà nước này đang tiến hành. Đáp lại, Tổng thống Philipines Duterte cam kết ủng hộ Nhật Bản trên mọi phương diện.
Sau Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến thăm Australia và hai nước Đông Nam Á Indonesia và Việt Nam.
Nhật Bản xem Philippines, Indonesia và Việt Nam là những đối tác quan trọng bậc nhất tại Đông Nam Á và chuyến thăm này là một cơ hội để Nhật Bản củng cố mối quan hệ tin cậy giữa nước này với các quốc gia có ảnh hưởng lớn tại khu vực.
2. Chính phủ Cuba hoan nghênh quyết định chấm dứt chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với người di cư Cuba, đồng thời gọi đây là “một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương”.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Barack Obama sẽ chấm dứt cái gọi là chính sách “chân ướt, chân ráo” đã áp dụng 20 năm qua với đảo quốc Caribe này.
Tuyên bố được phát trên truyền hình Cuba ngày 12-1 nêu rõ thỏa thuận này đã loại bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo”, vốn khuyến khích người Cuba nhập cư bất hợp pháp và đưa người di cư Cuba trái phép vào Mỹ.
Theo chính sách này, người Cuba một khi đặt chân lên đất Mỹ sẽ được ở lại Mỹ, còn những người bị bắt trên biển sẽ bị trao trả lại chính quyền Cuba. Trong tuyên bố, Chính phủ Cuba nhận định việc dỡ bỏ chính sách này là nhằm đảm bảo sự an toàn, trật tự đối với việc di trú của người dân hai nước.
Việc Washington dỡ bỏ cái gọi là chính sách “chân ướt, chân ráo,” được thông qua vào năm 1955, được nhìn nhận là tín hiệu tích cực, động thái này cũng cho thấy nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trước khi ông mãn nhiệm.
P.V