Thủ tướng đối thoại với các tập đoàn công nghệ thông tin
Mở đầu chương trình làm việc ngày 19/1, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan.
Thủ tướng đã giới thiệu một số nét khái quát về tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2016, một năm có nhiều khó khăn do thiên tai nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng 6,21%. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Thực hiện những cam kết trong các FTA sẽ làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam thay đổi căn bản, thuận lợi nhiều hơn, phù hợp với cơ chế thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Điều đó giúp chúng tôi, đến năm 2020, sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với 55 đối tác, bao gồm cả các nước G7 và 15/20 nước G20”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi phấn đấu chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều công nghệ và lao động chất lượng cao”.
Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức chúng ta sống và làm việc. Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục…
Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Đến nay, có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm (theo Tập đoàn CNTT Gartner 2015).
“Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, một trong những chương trình ưu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về công nghệ thông tin là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh thuận lợi bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN (ASEAN-4).
Thủ tướng hoan nghênh các tập đoàn nước ngoài đến với Việt Nam cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích, cùng thịnh vượng và đã có cuộc trao đổi, giải đáp một cách cởi mở các vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.
Ông Jim Baber, Chủ tịch Tập đoàn UPS International bày tỏ kỳ vọng dù Hiệp định TPP có được thông qua hay không, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hệ thống hải quan, thuận lợi hóa thương mại theo các tiêu chuẩn của WTO. “Công ty tôi có đội bay lớn thứ 8 thế giới nhưng chúng tôi chưa có cơ hội bay tại Việt Nam do những quy định về hải quan. Hy vọng rằng với những thay đổi và cải cách của Việt Nam thì chúng tôi sẽ được đưa các máy bay của mình vào Việt Nam và thuê các phi công Việt Nam cho các đội bay của mình”.
Về vấn đề này, Thủ tướng trả lời, Việt Nam có chủ trương mở cửa bầu trời. “Chúng tôi sẵn sàng nghe để giải quyết thủ tục của ông để ông có thể liên kết với Việt Nam nhằm đưa máy bay của ông vào Việt Nam như một số nước”. Dù TPP ra sao đi nữa thì theo Thủ tướng, Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương tự do hóa thương mại, tiếp tục cải cách hải quan, nhất là áp dụng hải quan điện tử rất tiến bộ trong thời gian gần đây. Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á áp dụng visa điện tử cho các du khách. Đây là một tiến bộ lớn.
“Ngài đánh giá thế nào về vai trò của các công ty nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay, nhu cầu phát triển hạ tầng rất cao”, ông Kojima, Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) nêu câu hỏi.
Thủ tướng nhìn nhận đầu tư của Mitsubishi tại Việt Nam rất thành công và cho biết, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được pháp luật Việt Nam quy định, theo đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng. Hiện có 22.000 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, đóng góp trên 20% GDP.
Trước câu hỏi của ông Kojima về ngành lợi thế ưu tiên nào khác mà Việt Nam quan tâm, Thủ tướng chỉ định Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có tài nguyên đa dạng về thổ nhưỡng, khí hậu để có thể phát triển một ngành nông nghiệp đa dạng có thể hội nhập. Hiện nông sản Việt Nam không chỉ nuôi sống 92 triệu người dân mà còn đang xuất khẩu 30-32 tỷ USD đi 180 nước trên thế giới. Nếu khai tốt tiềm năng lợi thế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, coi nông nghiệp công nghệ cao là đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, thì giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể tăng gấp nhiều lần con số 32 tỷ USD. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Mitsubishi cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Ông Joe Kaeser, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens cho rằng, ngoài tài nguyên thiên nhiên hay hạ tầng, thì phát triển nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Cho biết Công ty Siemen đạt được thành công ngày hôm nay là nhờ có một chương trình đào tạo thực tập thực tế dành cho các sinh viên đại học, ông Joe Kaeser bày tỏ mong muốn có thể xây dựng một chương trình đào tạo cho các thực tập sinh và sinh viên của Việt Nam. Hiện Siemens đã có chương trình này dành cho hơn 2.000 thực tập sinh đến từ 48 quốc gia trên thế giới.
Ghi nhận, hoan nghênh đề xuất của lãnh đạo Siemens, Thủ tướng cho biết, sẽ giao các đơn vị liên quan xem xét việc hợp tác với Siemens về chương trình này.
Về vấn đề mà ông Alex Mocrazski, Chủ tịch MMC International nêu ra liên quan đến phát triển thị trường bảo hiểm của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã mở cửa thị trường bảo hiểm theo đúng cam kết gia nhập WTO. Nhiều tập đoàn bảo hiểm như MMC, AIA, Prudential… đều có mặt ở Việt Nam. Cũng như các ngành khác, phải tái cơ cấu ngành này để có những đơn vị bảo hiểm có danh tiếng, uy tín của Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng mong muốn MMC đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo WB, WTO, Chủ tịch Alibaba
Sáng 19/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma.
Tại buổi tiếp Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của WB trong phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam; cảm ơn WB tích cực ủng hộ Việt Nam hưởng cơ chế chuyển tiếp tốt nghiệp vốn vay ưu đãi phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong kỳ IDA 18 (năm 2018-2021); mời Chủ tịch WB dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.
Chủ tịch WB bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua; khẳng định WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới; đánh giá kết quả IDA 18 có nhiều yếu tố thuận lợi cho Việt Nam; mong muốn Việt Nam phối hợp với WB huy động các nguồn vốn bổ sung cho WB; sẵn sàng tham dự các hoạt động trong Năm APEC 2017.
Tại buổi tiếp Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương với nòng cốt là WTO; thông báo Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Thủ tướng đề nghị WTO hỗ trợ Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực trong triển khai các hiệp định của WTO, đàm phán thương mại, xử lý tranh chấp.
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) Jack Ma, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc những năm gần đây tiếp tục phát triển tích cực; khẳng định Chính phủ hai nước luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư trong những lĩnh vực hai nước cùng có lợi; đánh giá cao Tập đoàn Alibaba và cá nhân ông Jack Ma là tấm gương sáng về khởi nghiệp cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị ông Jack Ma tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đánh giá Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng với dân số trẻ; Tập đoàn này đang xây dựng kế hoạch hợp tác với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực công nghệ số.
Thủ tướng dự Phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ bản phương thức tạo ra của cải vật chất và vì thế cũng sẽ thay đổi cả tương lai của nhân loại. “Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những nước đang phát triển đi sau, nếu biết tranh thủ cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn, có thể phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thu nhập trung bình có nền kinh tế thị trường, đang phát triển năng động và hội nhập ngày càng sâu rộng. Thủ tướng nhìn nhận không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nêu rõ, Việt Nam đang tập trung vào một số định hướng. Đó là, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học-công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia. Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Việt Nam bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.
Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập trong một năm, bình quân một giờ đồng hồ có 12 doanh nghiệp mới ra đời. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 600 doanh nghiệp với 2.000 dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới.
Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ để trở thành động lực của tăng trưởng bền vững.
Với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, Việt Nam sẽ ở thời kỳ dân số vàng trong ít nhất 20 năm nữa. Do đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao với một xã hội học tập suốt đời. Hiện có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là những nền tảng và lợi thế rất quan trọng mà nhiều tập đoàn công nghệ cao như Fujitsu, Intel, Samsung, Siemens, Acatel... đang tranh thủ để mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 hiệp định FTA mới, trong đó có Hiệp định RCEP, ủng hộ hợp tác phát triển hạ tầng của Ngân hàng ADB, hợp tác "Mekong - Lan Thương", hợp tác "Một vành đai, Một con đường". Điều đó giúp Việt Nam tiếp cận thị trường của 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”; các hoạt động và hội nghị của APEC 2017 sẽ tập trung thảo luận việc thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác đầu tư, thương mại.
Văn phòng Chính phủ