Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến với Thủ tướng Áo Christian Kern, gặp làm việc với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bradford Smith, dự buổi đối thoại với một số tập đoàn lớn.
Trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Christian Kern, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Áo phát triển tốt đẹp; nhất trí triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2017, sớm họp Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại.
Thủ tướng đề nghị Áo công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam; thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); ủng hộ Việt Nam ứng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại cuộc gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mekong; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Chủ tịch WEF đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).
Sau buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.
Theo thỏa thuận, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, phối hợp với các nước chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần 6 tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư trong hợp tác tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng đã mời Chủ tịch Tahehiko Nakao và lãnh đạo ADB tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và các hội nghị liên quan của APEC trong năm 2017 ở Việt Nam. Lãnh đạo ADB bày tỏ mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam; cam kết Việt Nam không phải trả nợ nhanh và kéo dài cấp tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho Việt Nam đến năm 2019; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án trong khuôn khổ hợp tác GMS.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bradford Smith, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Microsoft tiếp tục đầu tư vào Việt Nam gắn với chuyển giao công nghệ cao; mời ông Chủ tịch tập đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Tập đoàn Microsoft mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phần mềm.
Thủ tướng gặp gỡ các tập đoàn tài chính thành viên WEF
Cùng ngày, gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực tài chính với sự tham dự của Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua.
Bày tỏ sự quan tâm đến 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh toàn cầu mà WEF sử dụng để đánh giá năng lực cạnh tranh các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng mong muốn chào đón nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF đến Việt Nam để tăng cường trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa WEF và Việt Nam kỹ hơn.
“Trong 12 trụ cột về năng lực cạnh tranh này thì chúng tôi cho rằng thể chế rất quan trọng. Chính vì vậy mà Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp…”, Thủ tướng nói. Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó.
Khẳng định coi trọng đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, đóng góp của FDI rất lớn đối với Việt Nam, chiếm trên 20% GDP. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh Nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lợi nhuận cao như bia, sữa… Đặc biệt là nới room nắm giữ cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Nhấn mạnh Việt Nam không chỉ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, được WEF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là có sự cải thiện mạnh trong thời gian vừa qua, Thủ tướng khẳng định điều quan trọng nhất là ổn định môi trường vĩ mô của Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam đã duy trì kiểm soát lạm phát dưới 5%. Tỉ giá giữ ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đặc biệt là triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký; hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế hưởng ứng và tích cực tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam…
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler bày tỏ vui mừng về việc WEF đã ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP với quốc gia đầu tiên là Việt Nam.
“Qua thỏa thuận đối tác này thì WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tất cả các ngành cần thiết để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Philip Roesler nói. Đối với các doanh nghiệp thuộc WEF quan tâm đầu tư vào Việt Nam, theo ông Philip Roesler, đây không phải là thỏa thuận, hợp đồng đơn thuần mà “thực sự là một lời hứa”. “Tôi xin được khẳng định Việt Nam có một đối tác mạnh mẽ, đó là WEF. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam”.
Văn Phòng Chính phủ