Những chuyển động tích cực về bảo vệ môi trường

(NTO) Những năm gần đây, công tác kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh được chú trọng và tăng cường.

Thông qua hoạt động quan trắc môi trường, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ghi nhận, phát hiện và cảnh báo kịp thời các điểm phát sinh ô nhiễm, qua đó giúp các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.

Môi trường bước đầu được cải thiện

Toàn tỉnh hiện có 708 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) và kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) đều đã được UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố phê duyệt và xác nhận hồ sơ môi trường. Trong đó, 143 cơ sở sản xuất được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM, 26 cơ sở sản xuất được Sở TN&MT xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT; 539 cơ sở sản xuất được UBND các huyện, thành phố xác nhận bản cam kết BVMT hoặc kế hoạch BVMT. Trong số này, 84 cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh và 317 cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp huyện phải thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ (định kỳ hàng quý, 6 tháng hoặc hàng năm) theo báo cáo ĐTM, bản cam kết BVMT hoặc kế hoạch BVMT được phê duyệt và xác nhận. Đến nay, công tác kiểm soát ô nhiễm và giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào nền nếp, đúng quy định.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) ứng dụng các quy trình phân tích
để xác định hàm lượng các kim loại trong đất, nước, không khí.

Qua tìm hiểu thực tế tại Nhà máy chế biến tôm số 2 của Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, chất thải chính của Nhà máy là nước thải với lượng thải khoảng 800 m3/ngày đêm được thu gom vào công trình xử lý trước khi thải đổ vào mương Bầu và chất thải rắn gồm đầu, vỏ tôm được thu gom bán cho các cơ sở làm thức ăn gia súc. Mặc dù công trình xử lý nước thải tập trung công suất 1.500 m3/ngày đêm được đưa vào hoạt động, nhưng do thông số thiết kế nồng độ COD đầu vào công trình xử lý nước thải tập trung này chỉ có 1.700 mg/l trong khi thực tế nồng độ COD trong nước thải đầu vào công trình xử lý nước thải tập trung này hiện tại lên đến trên 3.000 mg/l nên chỉ xử lý được khoảng 500-600 m3 nước thải/ngày đêm (tương ứng với công suất sản xuất của nhà máy là 30 tấn tôm nguyên liệu/ngày). Để đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý luôn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản nên Sở TN&MT yêu cầu Công ty chỉ duy trì công suất sản xuất của nhà máy 30 tấn tôm thành phẩm/ngày... Hay như Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn) hoạt động từ năm 2013 đến nay, với công suất 520 tấn sản phẩm khăn thành phẩm/năm. Chất thải chính của Nhà máy là nước thải với lượng thải 1.056 m3/ngày đêm và toàn bộ lượng nước thải này được Công ty thu gom vào chung công trình xử lý nước thải tập trung xử lý trước khi đổ vào suối Cạn. Theo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải của nhà máy vào tháng 5-2016 và kết quả giám sát chất lượng nước thải định kỳ, các thông số ô nhiễm trong nước thải sau xử lý đều đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải dệt may.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev đã đi vào hoạt động từ năm 2012 với công suất chế biến tinh bột sắn 120 tấn thành phẩm/ngày. Chất thải chính của Nhà máy là bã mì với lượng thải khoảng 18 tấn/ngày và nước thải với lượng thải khoảng 2.048 m3/ngày đêm. Toàn bộ bã mì được Công ty thu gom bán cho các cơ sở làm thức ăn gia súc, còn nước thải được Công ty thu gom vào 8 hồ sinh học xử lý, nước sau khi xử lý được nhân dân xung quanh bơm tưới cho cây trồng. Đến nay, Công ty đã đầu tư đúng và đầy đủ các công trình biện pháp BVMT theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt. Hiện nay, Công ty đã đưa nhà máy này vào hoạt động sản xuất niên vụ 2016-2017 từ ngày 11-10-2016 và cam kết thực hiện các nội dung liên quan đến công tác BVMT tại Nhà máy, trong đó có tổ chức đánh giá hiệu quả xử lý nước thải của công trình xử lý nước thải tập trung tại Nhà máy. Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc Công ty hoàn thành các các nội dung theo đúng cam kết...

Đây chỉ là 3 trong số các nhà máy trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc gắn phát triển sản xuất với BVMT. Đây là kết quả từ những cách làm mới của ngành như triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức và hoạt động của tổ cộng đồng tự quản về giám sát hoạt động xả thải vào môi trường tại các khu vực sản xuất tập trung có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường. Ngoài ra, thực hiện công tác quan trắc, đánh giá chất lượng các thành phần môi trường và thông báo kết quả quan trắc định kỳ hàng tháng, quý đến các sở, ban, ngành, địa phương để sử dụng. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường

Để làm tốt công tác BVMT trong thời gian đến, Sở TN&MT xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường như tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ làm công tác BVMT các xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT của các dự án đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm công trình BVMT của các dự án đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật BVMT cho các doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm như đẩy mạnh công tác giám sát định kỳ các nguồn xả thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các cơ sở sản xuất có nguồn xả nước thải lớn (trên 1.000 m3/ngày đêm) phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT theo quy định. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ cộng đồng tự quản về BVMT, giám sát hoạt động xả thải vào môi trường tại các khu vực sản xuất tập trung có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.