Chuyện “tình yêu đến từ dạ dày”

(NTO) Cả bọn đang vui vẻ “Chúc mừng năm mới”, hắn quay sang hỏi nhỏ: Tôi đố ông biết “tình yêu bắt đầu từ đâu”. Này, từ cổ chí kim đâu đâu chẳng biết “tình yêu bắt đầu từ đôi mắt”-thôi cạn ly chúc năm mới vạn sự như ý! Hắn uống cái rẹt xong nhưng vẫn chưa buông tha: Nói cho ông biết cũng từ cổ tới kim ai ai cũng nói “tình yêu đến từ dạ dày”. Để cho qua chuyện tôi nói nhỏ: Bữa khác tôi với ông bàn luận, biết đâu hai chúng ta có tác phẩm để đời về tình yêu cũng nên.

Bẵng đi ít ngày, hắn a-lô mời uống cà phê rồi tiếp tục câu chuyện. Cha mình kể rằng, thời đó, bạn ông nội có cô con gái tuổi cặp kè mười tám đôi mươi khá xinh, họ có ý định làm sui gia với gia đình. Để hai đứa làm quen, gia đình cô gái mời cha mẹ mình sang nhà chơi và dĩ nhiên tháp tùng có “cậu con rể tương lai”. Việc nấu cơm, thức ăn đãi khách mẹ làm hết, cô gái độc diễn món trứng chiên. Nhìn xoong cơm trắng, rau cải ngọt xào thịt, trứng chiên vàng óng ánh thật là hấp dẫn. Mẹ mình vừa gắp miếng trứng chiên cho chủ nhà, vừa khen khéo: Chị có cô con gái xinh đẹp, dịu dàng, nấu ăn giỏi khối anh mê mệt. Nghe lời khen cô gái bẽn lẽn, mặt đỏ bừng, mắt long lanh như biết ơn. Gắp qua, gắp lại cho nhau ai cũng được phần trứng chiên hấp dẫn. Mình vốn háu đói vội cho trứng chiên vào miệng, bỗng cái rột, ráng nhai một hồi vị mặt chát của muối lấn át tất cả, ráng nuốt. Nhìn sang bên thấy mẹ mình bụm tay che miệng. Sau bữa ăn không khí không còn rôm rả như lúc mới đến. Mẹ cô gái thanh minh: Cũng tại cháu nó đoảng, anh chị thông cảm. Mẹ mình đỡ lời: Tụi nó trẻ, sơ suất chút đỉnh có gì đâu chị.

Nhằm gắn kết tình cảm hai đứa, cha mẹ mình mời họ đến nhà chơi. Lần này thì cô gái được cha giao xuống bếp phụ giúp mẹ mình nấu ăn. Nghĩ đến lần trước bà bảo, cháu nấu giùm cơm, gạo cũ hơi nở cháu cho nước nhiều hơn một chút. Chẳng hiểu cô gái nấu kiểu gì mà xoong cơm có ba hương vị, mặt trên cơm sống-giữa cơm nát-đáy thì cơm khê. Họ ra về, mẹ mình than thở, con dâu thế này thì con tôi suốt đời đói! Chuyện hai bên chưa đâu vào đâu thì có lệnh tổng động viên, mình lên đường vào Nam chiến đấu. Sau giải phóng nghe cha mình nói cô gái thi vào đại học sư phạm và theo cha mẹ vào miền Nam dạy học.

Đó là chuyện ngày xưa, giờ mình có hai cô con gái. Đứa lớn tối ngày học và học. Mẹ cháu bảo, con ráng học thiệt giỏi làm bác sĩ sau này vừa làm việc, vừa mở phòng mạch tư, có tiền cần gì là a-lô hoặc thuê ô sin làm. Chuyện cháu học hành cho giỏi nhưng phải biết việc nội trợ gia đình là chủ đề bất đồng giữa mình và bà xã. Thấy mình quyết liệt, năm học phổ thông trung học mẹ cháu nhượng bộ cho học nữ công gia chánh, nghề nấu ăn và may vá. Tốt nghiệp môn nấu ăn, cháu tuyên bố, đầu bếp hạng A sẽ chiêu đãi cả nhà món thịt bò bít tết. Mình phấn khởi, chủ nhật này ba mời ông bà ngoại, cậu mợ hai đến thưởng thức. Món bít tết cháu làm thơm phức, nước màu sệt óng ánh nhìn thật hấp dẫn. Nhưng khi ăn thì ai cũng phải ráng hết sức vừa nhai vừa kéo, mình nói vui, lần sau con có mời món bò bít tết nhớ nhắc khách mời mang theo bộ răng sắt. Chỉ một lỗi nhỏ, xắt thịt bò ngang thớ mà bữa ra mắt tác phẩm nấu ăn đầu tay của cháu trở thành thảm hoạ. Ngày cháu nhập trường đại học Y thành phố, tôi nói nhỏ: Nhớ học hành cho giỏi và đừng quên bài học bò bít tết kẻo “chống ề” đó con!

Trong thời buổi kinh tế thị trường chỉ cần lên mạng hoặc a-lô là có ngay thứ mình cần, kể cả đồ ăn, thức uống, nhưng bữa ăn tự nấu đối với mỗi gia đình hằng ngày, dịp lễ tết là sự đoàn viên gia tộc, là nét văn hoá rất riêng cần gìn giữ trong mỗi gia đình Việt.