Năm 2017, hoạt động khoa học và công nghệ hướng trọng tâm vào phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp

(NTO) Năm 2016, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

So với trước, hoạt động nghiên cứu khoa học năm qua có sự đổi mới. Kết quả nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao kịp thời cho các cơ quan, đơn vị triển khai trong thực tiễn. Các đề tài bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, có tính ứng dụng cao, nhất là lĩnh vực giống mới, nông nghiệp công nghệ cao. Trong số 12 đề tài, dự án triển khai mới, có 6 đề tài về khoa học nông nghiệp. Các đề tài tập trung vào mục tiêu chủ yếu là ứng phó với tình hình hạn hán đang diễn biến gay gắt và phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Nghiên cứu ứng dụng Bentonite để tăng cường giữ độ ẩm và nâng cao dinh dưỡng cho đất ở những vùng trồng nho, táo, đảm bảo phát triển ổn định kể cả trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Hay như nghiên cứu xác định công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp các tiến bộ kỹ thuật canh tác hợp lý trong điều kiện khô hạn đã góp phần tăng năng suất, sản lượng các loại cây ăn quả. Đáng chú ý hơn, đề tài Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chi tiết theo cấp độ rủi ro thiên tai đã phục vụ đắc lực cho việc chủ động phòng, chống hạn hán, lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại.

 

Kết quả nghiên cứu giống lúa Chế biến 3988 của Công ty CP. Giống cây trồng Nha Hố
được đưa vào sản xuất trên diện rộng trong năm 2016.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng tạo được bước đột phá. Trước tình hình môi trường ao đìa bị ô nhiễm, Trung tâm Giống thủy sản cấp I tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện Dự án “Loại bỏ các chất dinh dưỡng trong nước thải nuôi trồng thủy sản thông qua vi tảo để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học cho sự bền vững môi trường” hứa hẹn mở ra triển vọng mới giúp nông dân phục hồi, mở rộng diện tích sản xuất. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học Việt Nam-Vương quốc Bỉ có sự tham gia của chuyên gia đầu ngành Thủy sản, hứa hẹn đem lại chất lượng và tính hiệu quả cao.

Năm qua, Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 27-5-2016, với vai trò cơ quan thường trực, Sở KH&CN thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông sản, đề xuất 3 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của Bộ KH&CN. Cụ thể, Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu; nâng cao hiệu quả quản lý và quảng bá Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho; xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận măng tây xanh. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc thù của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.

Đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường cũng là lĩnh vực được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nổi lên là hỗ trợ 27 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổng số tiền 2,14 tỷ đồng để đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất. Chị Nguyễn Thanh Duyên, Công ty TNHH Mămta, cho biết: Trước tình hình hoạt động sản xuất không thuận lợi, chương trình hỗ trợ về KH&N đã tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giành được thị phần lớn.

Có thể nói trong những năm qua, sự đóng góp của KH&N vào việc gia tăng giá trị sản xuất, thông qua các đề tài, dự án và chuyển giao ứng dụng đã đáp ứng mục tiêu phát triển chung của tỉnh. Năm 2017, hoạt động KH&N hướng trọng tâm vào phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&N, cho biết: Để đạt mục tiêu, đơn vị tham mưu UBND tỉnh giải pháp tập trung cơ chế đặt hàng các đề tài, dự án sát với yêu cầu bức thiết cho sự phát triển của tỉnh; đồng thời, mở rộng hợp tác nghiên cứu đi vào chiều sâu từng lĩnh vực. Chú trọng ưu tiên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; lựa chọn các đề tài ứng dụng công nghệ sinh học vào điều kiện thực tế ở tỉnh ta như công nghệ tưới tiết kiệm nước thích ứng với biến đổi khí hậu…