(NTO) Đến với đảo “xanh” Nam Yết, chúng tôi có dịp viếng Nghĩa trang Liệt sĩ trên đảo. Xúc cảm khi chúng tôi nhìn đồng nghiệp Trương Trang, phóng viên VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam ngồi trước bia, mộ các chiến sĩ nhặt từng ngọn cỏ, hoa dại… mà nước mắt cứ tuôn trào: Mình xúc động lắm! Các chiến sĩ nằm ở đây trong độ tuổi “8X và 9X”, có chiến sĩ bằng tuổi mình, có chiến sĩ bằng tuổi em trai mình. Đây là lần đầu tiên đến với đảo Nam Yết, đến với Trường Sa mà mình thấy rất gần gũi, các chiến sĩ nằm ở đây như người thân trong gia đình mình.
Phóng viên Trần Quới, Báo Phú Yên (bên phải) thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ
đã hy sinh tại đảo Gạc Ma.
Hải trình tiếp tục những ngày dài trên biển, tàu HQ 571 đến điểm đảo cuối của hải trình. Đặt chân lên đảo Sinh Tồn, viếng ngôi chùa trên đảo này, chúng tôi thật sự xúc động trước bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988” được đặt trang trọng tại đây. Trong những phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đi tác nghiệp lần này, có phóng viên là đồng hương với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Phóng viên Trần Quới (Báo Phú Yên) thắp nén hương, đưa tay khẽ chạm vào bia khắc, mà mắt rươm rươm. Trong 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma có hai chiến sĩ đồng hương với phóng viên Trần Quới. Tận mắt đọc được tên tuổi và quê quán đầy đủ của 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Sự hy sinh của các anh đã, đang và sẽ góp thêm sức lực, tinh thần cho các chiến sĩ vững vàng tay súng bảo vệ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cảm ơn các anh-những chiến sĩ đã hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân, sức trẻ để bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Phan Hiếu
(Gửi về từ Trường Sa)