Nói về cây dừa trên đảo, Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Nam Yết, cho biết: Năm 1975, đảo được giải phóng và cũng thời gian này bắt đầu trồng dừa trên đảo. Qua năm tháng chăm sóc, thích nghi với điều kiện tự nhiên như nước, nắng, độ ẩm… nên cây dừa phát triển rất nhanh và đậu nhiều trái. Trên đảo hiện nay có khoảng gần 400 gốc dừa lớn, nhỏ với các giống dừa xanh, đỏ. Những năm gần đây, thời tiết càng trở nên khắc nghiệt, nên đảo đã chú trọng đến việc chọn giống và cải tạo đất trồng. Ở Trường Sa, đảo Nam Yết được biết đến với cái tên khác là đảo dừa. Theo các chiến sĩ nơi đây, nhờ chất đất nên nước dừa ở đảo ngọt lịm, có mùi vị khác biệt với nước dừa ở đất liền.
Sau mỗi buổi tập luyện, các chiến sĩ Cụm chiến đấu 3 chăm sóc cây xanh để có nhiều bóng mát trên đảo.
Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi đến các Phân đội, Cụm chiến đấu, cảnh quan nơi này đều một màu xanh của cây dừa. Vừa hết giờ tập luyện, tranh thủ thời gian, chiến sĩ Cụm chiến đấu 3 xách nước đổ vào hàng thùng, xô, chậu… để tưới nước cho cây dừa. Trung sĩ Lưu Đức Nam vui vẻ: Làm nhiệm vụ ở đảo, mỗi ngày có thêm công việc chăm sóc dừa, tôi thấy mình như đang ở đất liền.
Ở đảo Nam Yết, lá dừa được chiến sĩ tận dụng vào việc gói bánh chưng trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc và làm chổi để quét sân, nhà ở… Theo Trung tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên của đảo, cứ vào dịp năm mới về, đảo tổ chức Tết trồng cây. Và thật may mắn, chuyến thăm và chúc tết năm nay, đoàn công tác chúng tôi được tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo trồng cây đầu Xuân…
Những ngày ở đảo, bóng mát của dừa cho chúng tôi cảm giác rất dễ chịu, không khí trong lành, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Rời đảo để tiếp tục hải trình đến điểm đảo tiếp theo, trong cái vẫy tay chào của cán bộ và chiến sĩ tại đảo tiễn đoàn công tác, chúng tôi chợt nghĩ không bao lâu nữa, các điểm đảo ở Trường Sa sẽ phủ một màu xanh của dừa. Đó cũng là cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phan Hiếu
(Gửi về từ Trường Sa)