Năm 2016: CPI trên địa bàn tỉnh tăng 2,66%

(NTO) Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2016 trên địa bàn tỉnh tăng khá cao và dừng ở mức 3,93% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tính chung cả năm CPI bình quân chỉ tăng 2,66% so với bình quân năm 2015, thấp hơn so với chỉ số tăng 4,74% của cả nước. Trong đó, các nhóm hàng tăng cao như: hàng ăn uống và dịch vụ tăng 3,86%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,62%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,46%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,42%; giáo dục tăng 4,39%... Nguyên nhân chủ yếu là do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,9%; giá xăng, dầu, gas tăng. Ngược lại, một số nhóm hàng tăng nhẹ và giảm như: may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,73%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,48%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,58%; giao thông giảm 7% và bưu chính viễn thông giảm 0,82%...

 
Đưa hàng Việt về nông thôn- Người dân mua hàng tại thôn Như Ngọc (xã Phước Thái, Ninh Phước).

Chỉ số giá vàng tháng 12-2016 tăng 12,39% so với cùng kỳ năm 2015 và bình quân 12 tháng so với cùng kỳ tăng 8,48%, trong khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng ở mức 1,41% và bình quân 12 tháng tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tuy giá cả thị trường có tăng nhưng không ảnh hưởng lớn đến sức mua của người tiêu dùng. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2016 trong tỉnh đạt trên 15.712 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015 (nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 11,4%). Trong số này, chủ yếu vẫn là kinh tế cá thể đạt trên 8.821 tỷ đồng, tăng 12,3%; kinh tế t­ư nhân đạt 5.822,2 tỷ đồng, tăng 14,6%; riêng kinh tế nhà nước đạt trên 988,7 tỷ đồng, tăng 3,4%... Nếu phân theo ngành thì thương nghiệp đạt trên 12.355,6 tỷ đồng, tăng 13,3%; khách sạn-nhà hàng đạt 2.197 tỷ đồng, tăng 13,2%; dịch vụ đạt 1.154,6 tỷ đồng, tăng 11,6%...

Từ thực tế nêu trên cho thấy tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như chương trình rút thăm trúng thưởng, chương trình giảm giá hàng bán, quà tặng kèm theo đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có chuyển biến, thông qua việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và các hội nghị, hội thảo quốc gia được tổ chức trên địa bàn; đồng thời, đã kết hợp khai thác tốt hơn các tour du lịch gắn với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, du lịch sinh thái, nên lượng du khách đến tỉnh tăng khá so cùng kỳ.

Theo dự báo, tháng 1-2017 là tháng Tết nên bên cạnh hàng hóa phong phú thì đây luôn là thời điểm thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá. Do vậy, các cơ quan chức năng, địa phương và người dân cần thực hiện tốt bình ổn và kiểm soát giá cả hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt là chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp vui Xuân, đón Tết.