Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Dù tình hình hạn hán xảy ra hết sức nghiêm trọng, nhưng nhờ sự nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định và đạt được kết quả trên nhiều mặt; an sinh xã hội được thực hiện tốt. Về kinh tế, giá trị sản xuất các ngành vượt 6% KH và tăng 24% so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn đạt 29,54 tỷ đồng/24,3 tỷ đồng, vượt 22% KH; tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 908,9 tỷ đồng, vượt 2% KH. Về xã hội, giải quyết việc làm cho 967 lao động (vượt 7,4% chỉ tiêu HĐND huyện giao), đào tạo nghề cho 432 lao động, vượt 8% KH. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chống hạn, đảm bảo nước sinh hoạt cho Nhân dân, nhất là phục vụ sản xuất và chăn nuôi. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã huy động sự tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả, hệ thống hạ tầng đầu tư đồng bộ, từng bước thay đổi bộ mặt ở nông thôn.
Thuận Bắc trên đường phát triển. Ảnh: V.M
Xác định năm 2016 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện KH phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), Thuận Bắc đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, miền núi. Trước tình hình khô hạn, Thuận Bắc kịp thời hỗ trợ ổn định sản xuất, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và tổ chức ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với giá sàn cho người dân, qua đó đã hỗ trợ giống cho diện tích 669,5 ha. Nhìn tổng thể bức tranh phát triển, có thể thấy rõ Thuận Bắc đã đạt mục tiêu tạo chuyển biến trên một số lĩnh vực, từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế của huyện, đến nay giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 811 tỷ đồng, vượt 35% KH, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng chỉ đạt 92% KH do một số cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, song bù lại ở lĩnh vực Thương mại-Dịch vụ có bước tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Bước vào năm 2017, Thuận Bắc xác định mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển nhanh kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, tạo tiền đề cho phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, phấn đấu giá trị sản xuất các ngành tăng 14% so với năm 2016, trong đó ngành Công nghiệp-Xây dựng tăng 16%; ngành Nông nghiệp tăng 14%; ngành Dịch vụ tăng 9%. Cơ cấu giá trị sản xuất theo hướng “công nghiệp-xây dựng chiếm 53,1%, nông nghiệp chiếm 35,8%, dịch vụ chiếm 11,1%”. Thu ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 917 tỷ đồng. Về xã hội, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 19%, giải quyết việc làm mới cho 900 lao động, đào tạo nghề cho 400 lao động nông thôn và giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%. Để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, Thuận Bắc chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi và nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của huyện, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào thực tiễn làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu trên, Thuận Bắc tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Thuận Bắc tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, cây trồng có giá trị cao, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Về chăn nuôi, phát triển hình thức chăn nuôi trang trại, quy mô bán công nghiệp, gắn với phát triển đồng cỏ; đẩy mạnh cải tạo nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là chú trọng phát triển ngành Công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Bạch Thương