Nhìn lại năm 2016:

Giải bài toán phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh

(NTO) Theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, ngày 26-10-2016 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020, theo đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề giai đoạn này tăng bình quân hằng năm 16-18%; tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động. Vậy làm thế nào để đạt mục tiêu trên?.

Nhìn lại thực trạng

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có vài chục nghề TTCN với nhiều quy mô khác nhau, trong đó, cũng chỉ mới có 3 làng nghề được công nhận gồm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc (đều ở thị trấn Phước Dân, Ninh Phước). Trong 3 làng nghề nói trên, xét về quy mô thì lớn nhất là làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, với trên 500 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động; kế đến là làng nghề gốm Bàu Trúc có trên 150 hộ tham gia, tạo việc làm cho hơn 400 lao động; làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ có gần 210 hộ tham gia, tạo việc làm cho 230 lao động thường xuyên. Ngoài ra, dệt chiếu cói An Thạnh (xã An Hải) còn được công nhận là nghề truyền thống cũng thuộc địa bàn huyện Ninh Phước.

Du khách tham quan tại Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước).
Ảnh: Mai Dũng

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, những năm qua ngành chức năng đã tạo nhiều điều kiện từ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù đến tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường... Nhiều làng nghề và cơ sở nghề còn được tổ chức tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng. Đến nay, một số sản phẩm như nước mắm Cà Ná, rau an toàn Văn Hải, gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã hoàn thành chuyển giao nhiệm vụ quản lý thương hiệu cho các Hợp tác xã làng nghề. Một số sản phẩm cũng khá có “tên tuổi” như nước mắm Đông Hải, trái cây Sông Pha, thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng Cầu Gãy, chế biến hải sản Mỹ Tân, thủ công mỹ nghệ Tập Lá, thủ công mỹ nghệ Ma Nai,... do chưa xác lập chủ sở hữu nên chưa đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tìm hiểu về nghề truyền thống dệt chiếu cói An Thạnh, nghề được định hướng hỗ trợ phát triển làng nghề- được biết, toàn thôn An Thạnh có tổng số gần 1.190 hộ thì đã có 103 hộ, với hơn 400 lao động tham gia hoạt động nghề dệt chiếu cói truyền thống, chiếm gần 8,7% tổng số hộ của thôn. Đây là nghề được hình thành cùng với quá trình thành lập làng (có trên 300 năm); tận dụng quỹ thời gian nông nhàn của nông dân địa phương khá nhiều vì đa số chỉ sản xuất lúa 2 vụ (do nhiễm mặn, ảnh hưởng lũ lụt) rất thuận lợi việc phát triển nghề nhằm tăng thu nhập cho nhân dân... Hạn chế ở nghề truyền thống dệt chiếu cói An Thạnh là chưa thành lập được mô hình sản xuất, chưa xây dựng thương hiệu, chưa xây dựng cơ sở sản xuất tập trung do dệt chiếu cói đang thực hiện bằng thủ công, năng suất thấp, giá thành cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng tại địa phương. Chủng loại sản phẩm chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, thị trường tiêu thụ rất hạn chế (chủ yếu trong tỉnh), chưa mở rộng thị trường tiêu thụ, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất sản phẩm còn rất hạn chế. Hay như nghề đan lát thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (xã Phước Chiến, Thuận Bắc) có 80 hộ đang tham gia hoạt động sản xuất ngành nghề, chiếm 33,9% số hộ của thôn (80/236 hộ), với 100 lao động tham gia sản xuất ngành nghề. Những năm qua, để giúp nghề này phát triển, cùng với việc mở 7 lớp đan lát mây, tre cho 203 học viên trong xã, sản phẩm làm ra còn được hỗ trợ để tham gia một số hội chợ triển lãm trong khu vực, gửi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị gồm 9 bộ dao chẻ nan; xây dựng phương án phát triển vùng nguyên liệu trồng thí điểm cây lồ ô với diện tích 3 ha; giải quyết cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm 300 triệu đồng cho 15 hộ có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ngành nghề đan lát (20 triệu đồng/hộ)... Qua việc hỗ trợ, nghề đan lát thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá đã thu hút thêm được lao động hoạt động nghề. Đã hình thành được mô hình Tổ hợp tác sản xuất do bà con dân tộc Raglai quản lý. Sản phẩm được nhiều du khách và các thành phần kinh tế khác biết đến thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, nhất là sản phẩm được trưng bày tại các điểm, khu du lịch. Nhờ đó, tổng doanh thu đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, thiết kế mẫu mã bao bì, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu chưa được triển khai... nên còn gặp khó khăn trong việc quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung các cơ sở sản xuất tại các làng nghề gặp khó khăn về vốn, tiếp cận tín dụng hạn chế do vướng thủ tục, hạn mức vay thấp, yêu cầu có tài sản thế chấp,... Phát triển còn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị máy móc chậm đổi mới. Đa số nhỏ lẻ, không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, ít được cải tiến sáng tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa chú trọng nhiều đến sản phẩm phục vụ du lịch. Việc đăng ký xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù (đũa Sông Mỹ, chiếu cói An Thạnh, thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng Cầu Gãy, chế biến hải sản Mỹ Tân, thủ công mỹ nghệ Tập Lá, thủ công mỹ nghệ Ma Nai,...) chưa được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, chưa có thị trường xuất khẩu; sản xuất thiếu ổn định do thiếu nguyên liệu; khả năng liên doanh, liên kết sản xuất, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ địa phương của các hộ dân còn hạn chế. Các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp) còn ít, hoạt động thiếu hiệu quả. Thu nhập của một số ngành (dệt chiếu, đan lát, thủ công mỹ nghệ) chưa cao nên chưa chưa thu hút được nhiều lao động tham gia. Công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được chú trọng...

Rất cần sự hỗ trợ để phát triển

Trước thực trạng đã nêu, để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, việc hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN tỉnh giai đoạn 2016-2020 là hết sức cần thiết, qua đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới, tăng sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm TTCN đặc trưng có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển công nghiệp, TTCN tỉnh nhà theo hướng bền vững, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, mục tiêu đặt ra là tập trung phát triển sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ chương trình phát triển du lịch của tỉnh như: dệt thổ cẩm, gốm nung, sản phẩm từ mây tre, mỹ nghệ từ hạt cây rừng, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ,... và phát triển sản phẩm chế biến đặc sản của tỉnh như: chế biến rượu nho, mật nho, nho sấy, măng khô, chuối sấy, cá hấp, nước mắm,... phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Nghề đan lát mây tre truyền thống của đồng bào Raglai xã Phước Hà (Thuận Nam)

Để thực hiện mục tiêu nói trên, theo kiến nghị của ngành Công Thương, UBND tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù giai đoạn 2016-2020; xem xét, bố trí nguồn vốn lồng ghép các Đề án, chương trình liên quan đến làng nghề để khuyến khích phát triển sản xuất tại làng nghề một cách hiệu quả; ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề thành làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, do hầu hết các ngành nghề, làng nghề trong tỉnh còn khó khăn, giá trị sản phẩm thấp, chưa có thị trường tiêu thụ, kinh phí để tham gia các hội chợ triển lãm không có,... cần ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí (thuê gian hàng, trang trí, vận chuyển sản phẩm,…) cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề định hướng phát triển thành làng nghề khi tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai công tác hỗ trợ phát triển làng nghề theo kế hoạch, chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch, đề án đăng ký...

Có thể nói, “đáp số” cho bài toán phát triển nghề TTCN của tỉnh đã có, vấn đề còn lại là sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương và chính từ sự chủ động, sáng tạo... của người dân ở các làng nghề cũng như các nghề TTCN.